Hiện nay, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) trở thành địa bàn “nóng” về buôn lậu và gian lận thương mại. Mặc dù, các lực lượng chức năng đã chủ động kiên quyết đấu tranh, nhưng các thủ đoạn, mánh khóe của giới buôn lậu ngày càng tinh vi hơn.
Buôn lậu mỹ phẩm tăng đột biến
Ông Đinh Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, trước đây, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được nhập vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có số lượng ít, không đáng kể. Nhưng kể từ ngày 1/10/2014, Thông tư 109/2014/TT - BTC của Bộ Tài chính quy định về việc dừng miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho nhóm 17 mặt hàng nội địa (bia, dầu ăn, đường, sữa các loại, mì gói, cà phê, bánh kẹo, dầu gội, văn phòng phẩm...) thì mặt hàng mỹ phẩm nhập vào khu này tăng đột biến vì không thuộc danh mục 17 mặt hàng nói trên, tức là mỹ phẩm vẫn được hoàn thuế 10% khi đưa vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Trong hơn 7 tháng đầu năm 2015, đã có hàng trăm loại mỹ phẩm chủ yếu là phấn, son, kem dưỡng da... được các doanh nghiệp xuất từ nội địa vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tổng cộng 71 doanh nghiệp mở tờ khai xuất hàng vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thì doanh nghiệp nào cũng xuất mỹ phẩm...
Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bắt hàng lậu vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo. |
Ngoài việc nhập chính ngạch để hưởng hoàn thuế 10% thì mỹ phẩm cũng được giới buôn lậu tìm cách đưa về nội địa tiêu thụ. Với đặc điểm nhỏ gọn dễ vận chuyển, các loại mỹ phẩm như son môi, sữa rửa mặt, kem dưỡng thể... có nguồn gốc từ Thái Lan nhập lậu đã được các đối tượng vận chuyển qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trà trộn trong hành lý nội địa.
Mặt khác mỹ phẩm có khối lượng nhỏ nhưng giá trị lại lớn. Một thỏi son nhỏ bằng ngón tay nhưng có giá vài trăm ngàn đồng hay cả triệu đồng nên rất dễ dàng mang vác, luồn qua các đội kiểm soát hoặc thậm chí “hiên ngang” qua cổng B vì có thể bỏ trong các ba lô, túi xách.
Gian nan thuế VAT
Trong khi hoạt động buôn lậu các mặt hàng nhập ngoại như các loại mỹ phẩm có xuất xứ từ Thái Lan đang tràn vào nội địa thì giới buôn lậu lại lợi dụng tìm các mặt hàng khác để được hưởng 10% hoàn thuế GTGT khi nhập vào khu kinh tế như xúc xích, phụ tùng máy cưa, thức ăn gia súc... Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khám bắt và xử lý hàng trăm vụ vận chuyển hàng hóa nhập khẩu trái phép, vi phạm chính sách thủ tục hải quan của các mặt hàng mới kể trên.
Những mánh khóe buôn lậu và gian lận thuế GTGT của các đối tượng thuộc Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, một số loại hàng hóa mới không nằm trong danh mục cắt giảm thuế GTGT như: mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, máy cưa xích, điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, khóa từ... đã nhập vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo tăng một cách đột biến.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo từ đầu năm đến nay, các mặt hàng trọng điểm trên được nhập vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có giá trị lên tới trên 550 tỷ đồng, qua đó số tiền 10% mà các doanh nghiệp được hoàn thuế là không hề nhỏ. Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là xảy ra tình trạng các mặt hàng này được xé nhỏ để đưa về nội địa tiêu thụ. Trong tháng 7/2015, Đội kiểm soát Hải quan Quảng Trị bắt giữ lô hàng 32 chiếc ti vi LG sản xuất tại Việt Nam, sau khi làm thủ tục nhập vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để hưởng thuế GTGT, doanh nghiệp đã thuê các đối tượng gùi cõng qua 2 cánh gà cổng B đưa về nội địa để tiêu thụ.
Đại úy Trần Bình Quy, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện một số ít doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận thuế GTGT nên đã tham mưu cho chỉ huy, phối hợp với hải quan, công an tỉnh đấu tranh với các doanh nghiệp trong nội địa, có nghi vấn hoạt động gian lận thương mại. Những mánh khóe buôn lậu và gian lận thuế GTGT của các đối tượng đang diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn.