Bị cáo Lê Quang Bình, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Hậu 68 tại phiên toà, ngày 24/3. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN
Theo cáo trạng, dù biết Công ty Trung Hậu 68 không đủ điều kiện, nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo Nguyễn Thanh Bình thời điểm này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo bị cáo Trần Anh Thư, cựu Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và bị cáo Nguyễn Việt Trí, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát tại huyện Chợ Mới theo hình thức chỉ định, không thông qua đấu giá quyền khai thác để có nguồn cát phục vụ công trình trọng điểm tại tỉnh An Giang.
Bị cáo Trần Anh Thư sau đó đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Việt Trí cấp phép thăm dò, khai thác cát tại các mỏ theo yêu cầu của Công ty Trung Hậu 68 để cung cấp cho dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ (không đúng với nội dung xin cấp phép ban đầu). Trên cơ sở tờ trình của Trí, ngày 24/8/2020, Thư ký quyết định phê duyệt phương án lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên sông Tiền, trong đó đưa thêm tiêu chí bắt buộc “có hợp đồng hoặc cam kết (được chủ đầu tư dự án xác nhận) cung cấp cát cho dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên” (nếu không có tiêu chí này sẽ bị loại). Trước khi ban hành tiêu chí và tổ chức lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò, Trí đã chỉ đạo cấp dưới cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn trước các tiêu chí cho phía Công ty Trung Hậu 68 để chuẩn bị hồ sơ.
Sau đó, Công ty Trung Hậu 68 được cấp giấy phép khai thác mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, tỉnh An Giang. Dù trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, công ty này chỉ mới ký được hợp đồng cung cấp cát cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (không có công trình tuyến nối Quốc lộ 91; tuyến tránh thành phố Long Xuyên), nhưng Trần Anh Thư vẫn ký giấy phép khai thác cát cho Công ty Trung Hậu 68 theo chỉ đạo của Nguyễn Thanh Bình. Trong quá trình khai thác cát, Công ty Trung Hậu 68 đề nghị điều chỉnh, bổ sung giấy phép khai thác đến 7 lần, tất cả đều được chấp thuận.
Xuyên suốt quá trình được Thư, Trí tạo điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác, nâng công suất khai thác cát, bị cáo Lê Quang Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 đã “hồi đáp” cho bị cáo Trần Anh Thư tổng số tiền 961,62 triệu đồng. Trong đó, 761,62 triệu đồng được Bình chuyển cho anh trai ruột của bị cáo để dùng làm chi phí sửa nhà cho Trần Anh Thư; sau đó Quang Bình còn trực tiếp đến phòng làm việc của Thư để “biếu quà Tết” 100 triệu đồng/lần vào dịp Tết các năm 2022 và 2023. Bị cáo Nguyễn Việt Trí có 20 lần nhận hối lộ từ Lê Quang Bình với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Thư và Trí đã tự nguyện nộp lại tất cả số tiền nhận hối lộ.
Để làm rõ chi tiết về số tiền dùng để sửa nhà của Trần Anh Thư, Hội đồng xét xử đã triệu tập ông Lê Quang Vinh (anh trai của bị cáo Lê Quang Bình) đến tòa để xét hỏi. Tại tòa, ông Lê Quang Vinh cho biết, vào năm 2021, ông đã giới thiệu cho bà Phan Thị Suối (vợ của bị cáo Trần Anh Thư) mua một căn nhà ở Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Do căn nhà xuống cấp nên bà Suối nhờ ông Vinh tìm thợ sửa chữa. Sau đó, ông Vinh gặp Bình để kể lại việc trên thì được Bình căn dặn “nếu giúp được chị Suối thì giúp”, còn tiền sửa chữa nhà thì Bình sẽ thanh toán. Bình sau đó chuyển cho ông Vinh 761,2 triệu đồng để thuê thợ, mua vật liệu và trả tiền cho người thi công.
Ông Lê Quang Vinh cũng khai bản thân còn nhận thêm 2,5 tỷ đồng từ Lê Quang Bình để mua một miếng đất ở Long An, hiện chưa sang tên. Khi cầm tiền đi mua tài sản, ông không biết rõ nguồn gốc của số tiền này.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Anh Thư thừa nhận hành vi như cáo trạng, tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 theo sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. Đối với số tiền 961,2 triệu đồng bị quy kết nhận hối lộ, Thư khai không bàn bạc, thỏa thuận với phía Công ty Trung Hậu 68. Thư sau đó đã vận động gia đình khắc phục 1 tỷ đồng trước khi bị khởi tố.
Về hành vi chỉ đạo bị cáo Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 khai thác cát, bị cáo Thư cho rằng do xuất phát từ chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh và tập thể Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, vì vụ việc thuộc lĩnh vực được phân công nên bị cáo buộc phải chỉ đạo lại cấp dưới. Chủ tọa hỏi bị cao Thư: "Bị cáo có yêu cầu bị cáo Trí hỗ trợ nhưng phải đúng luật không?", thì Thư khai “chỉ nói hỗ trợ thôi”.
Đối với hành vi khai thác cát trái quy định pháp luật của Lê Quang Bình, Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 Nguyễn Phước Phúc đến tòa để xét hỏi.
Tại tòa, ông Nguyễn Phước Phúc cho biết, trong thời gian làm việc tại Công ty Trung Hậu 68, ông hoàn toàn làm việc theo sự chỉ đạo của Lê Quang Bình mà không hề biết rõ là đang làm việc gì, trong đó ông Phúc đã thực hiện hợp đồng cung cấp cát với các nhà thầu được quy định trong giấy phép theo ủy quyền của Lê Quang Bình; ký hợp đồng bán cát với các công ty khác mua cát trái phép do bị cáo Nguyễn Tấn Lịnh (cựu Phó Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 soạn sẵn). Bên cạnh đó, ông Phúc còn cho Lê Quang Bình vay tổng cộng 36 tỷ đồng để xử lý việc của công ty, nhưng không nhớ rõ việc gì. Ông Phúc đã nhận lại số tiền này sau khi cấn trừ vào tiền bán cát của Bình.
Theo Hội đồng xét xử, việc ông Phúc khai “không biết đang làm việc gì” là không hợp lý vì khi được ủy quyền thì cần phải làm đúng pháp luật, không phải làm mà không biết đúng hay sai, bao gồm việc ông Phúc nhận số tiền 36 tỷ đồng từ Bình là tiền có được từ việc bán cát trái phép mà có. Tuy nhiên, do kết quả điều tra xác định, ông Phúc không tham gia điều hành việc khai thác cát tại mỏ cát, không được hưởng lợi từ việc khai thác trái phép nên không xem xét trách nhiệm hình sự.