Telegram bị ‘điểm mặt’ là công cụ của tội phạm mạng do ẩn danh, khó kiểm soát

Việc Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) yêu cầu các nhà mạng có biện pháp kỹ thuật chặn ứng dụng Telegram cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Vùng xám của Internet sớm được kiểm soát

Trước yêu cầu từ cơ quan chức năng xuất hiện từ ngày 23/5, trên diễn đàn mạng xã hội có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó tìm hướng chuyển sang các nền tảng xã hội khác. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là cần thiết do tiềm ẩn nhiều rủi ro về lừa đảo, chia sẻ nội dung độc hại và vi phạm pháp luật.

Chú thích ảnh

Anh Việt Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng: Đứng ở góc độ người tiêu dùng, sử dụng Telegram có thể tạo các nhóm trao đổi, tạo các topic trong từng nhóm, số lượng người tham gia nhóm lớn, không có nhiều ràng buộc, giới hạn về mặt kích thước file hay nội dung, tin nhắn, cuộc gọi thực hiện nhanh, chất lượng ổn định và tất cả đều miễn phí. Nhất là dùng nền tảng này sử dụng ẩn danh và bảo mật với tin nhắn mã hoá đầu cuối, xoá lịch sử (cho tất cả mọi người)... Đây chính là ưu thế lớn của Telegram so với các ứng dụng khác, thu hút người dùng chuyển dịch sang Telegram ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, ưu điểm đó lại đi kèm “tệ nạn” trên Telegram cũng tăng lên nhanh và cũng là nơi tội phạm mạng hoạt động mạnh mẽ. “Đáng chú ý, nền tảng cũng hỗ trợ các giao diện lập trình API, giúp cho các nhà phát triển phần mềm có thể lập trình các phần mềm tương tác với người dùng hay nhóm chat một cách tự động”, anh Việt Khôi chia sẻ.

Nhờ đó, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, tạo cảm giác nhóm luôn sôi động, nhưng thực chất các đối tượng là một nhóm. Sau khi lừa được con mồi, các đối tượng có thể âm thầm rút đi và xoá hết các nội dung đã trao đổi trước đó.

Chị Hoàng Ánh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết từng bị một nhóm giả danh đơn vị tổ chức cuộc thi tài năng cho trẻ em tiếp cận qua một nền tảng khác, nhưng dẫn dụ chuyển sang Telegram. "Khi sang kênh này, các đối tượng tung hứng và lừa tôi gần 200 triệu đồng...", chị Hoàng Ánh chia sẻ.

Theo anh Việt Cường (Hoàng Mai, Hà Nội), một người đã sử dụng Telegram từ lâu thì: "Quá trình dùng, tôi bị mời vào nhiều nhóm có nội dung xấu như tham gia bán hàng đa cấp, hàng cấm... Vào những nhóm này thấy ẩn danh nhiều. Nếu người dùng không tỉnh táo dễ dẫn đến bị lừa đảo. Lý do tôi vẫn dùng nền tảng này bởi cho phép gửi tệp lớn và lưu trữ không giới hạn. Hiện ít có ứng dụng nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này”.

Chặn vì vi phạm an ninh mạng

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Doanh nghiệp viễn thông sẽ phải triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.

Theo thông tin từ cơ quan Công an, việc vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam.

Trong đó có nhiều hội, nhóm, với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy, thậm chí có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố.

Vì vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam.

Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an; báo cáo giải pháp, kết quả thực hiện bằng văn bản về Cục Viễn thông trước ngày 2/6/2025; đồng thời, gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trước ngày 2/6 phải đưa ra biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an. 

Động thái quyết liệt này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc làm trong sạch không gian mạng và bảo vệ an ninh quốc gia. Trước động thái này, trong email gửi tới Cục Viễn thông, Telegram cho biết luôn sẵn sàng hợp tác và tuân thủ quy định của Việt Nam và sẽ sang Việt Nam làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý Nhà nước.

XM/Báo Tin tức
Telegram phản hồi trước thông tin sắp bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam
Telegram phản hồi trước thông tin sắp bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam

Theo hãng tin Reuters, ngày 23/5, đại diện của công ty Telegram đã ngay lập tức phản hồi sau khi nắm được thông tin sắp bị cơ quan chức năng ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN