Tan hoang quê nghèo vì khoáng sản

Một xã có 10 thôn nhưng có tới 11 dự án khai khoáng được cấp phép. Lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng khối tài nguyên khổng lồ đang đội nón ra đi, kéo theo bao hệ lụy ảnh hưởng tới cuộc sống của trên 4.000 người dân nghèo. Đây chính là thực tế đang diễn ra ở vùng quê thuộc xã Hưng Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái).

 

Bài 1: Nỗi ám ảnh mất đường, mất nhà

 

Tưởng sẽ mang lại cho dân tiền tỷ, nhưng những mỏ quặng sắt đang khiến hàng trăm dân nghèo ở xã Hưng Thịnh khốn đốn. Hàng chục dự án khai khoáng nối tiếp nhau khiến nhà cửa bị hư hại; đường sá tan nát, đồi núi bị cày xới; không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Những “con đường chết”


Không giống hình dung trong lời kể về một vùng quê yên bình, Hưng Thịnh giờ đây là một “công trường” khổng lồ. Tiếng từng đoàn xe quặng chạy ầm ầm, từng lớp bụi bay mù mịt, làm bầu không khí trở nên ngột ngạt. Không riêng gì đoạn đường đất, ngay cả đoạn đường cấp phối được rải đá răm cũng bị từng đoàn xe tải chở quặng sắt “bằm nát”.


 

Anh Huy xót xa trước những vết lở nứt bên ngôi nhà.

Mỗi ngày, có từ 3-4 đợt xe nối đuôi nhau vào Hưng Thịnh chở quặng. Mỗi đợt có chừng 50 xe, mỗi xe có trọng tải 17-20 tấn. Nếu tính trung bình, một ngày phải có 400 lượt xe ra vào vùng quê này. Tần suất hoạt động của xe cao như vậy, cộng với sức rung của việc đập đá vá đường khiến cho nền đất ở khu vực này bị rung lắc dữ dội. Người dân trong thôn, trong xã vẫn thường gọi những tuyến đường ra vào vùng quê này là những “con đường chết” bởi ngày mưa thì đường bị cày xới như “cháo lòng”, còn ngày nắng thì bụi mù trời. Thậm chí, nhiều khi người dân đi cách nhau 2-3 m thôi nhưng cũng không thể nhìn rõ mặt nhau vì đường quá bụi.


Dọn mâm cơm ra chưa kịp mời khách, bà Hà Thị Tâm (thôn Yên Thành, Hưng Thịnh) đã phải bê vội đi “trốn bụi” khi nghe tiếng từng đoàn xe chở quặng ầm ầm kéo tới: “Khổ là vậy, nhưng ở lâu dần thì cũng thành quen cô à. Chuyện đường sá bụi bặm, nhà cửa bị rung lắc cũng trở thành chuyện thường ngày. Có đêm đang ngủ, chúng tôi còn bị dựng dậy bởi tiếng xe lu, xe tải vì ngỡ là động đất” - bà Tâm giãi bày.


Có tận mắt chứng kiến cảnh từng đoàn xe lũ lượt kéo nhau ra vào chở đầy quặng đất mới thấy hết nỗi khổ cực mà người dân phải đối mặt. Bà Tâm nhớ lại: “Có lần đón cháu đi học về gặp đúng đoàn xe chở quặng, tôi vội vàng tránh mà không kịp. Lúc đó, hai bà cháu đành vứt cả xe để nép vào vệ đường”.


Theo bà Tâm, điều lo ngại nhất là xe chở quặng thường chạy vào ban ngày. Đường mà xe đi lại cũng chính là đường dân sinh, thậm chí là đường hàng ngày đến lớp của học sinh hai cấp trong xã. Mỗi khi trời mưa, học sinh đành nghỉ học vì không thể vượt qua được những “bãy lầy”, còn trời nắng thì các em đành phải hít bụi trong suốt hành trình đến trường. Nhiều em còn suýt gặp nạn khi bị những cục quặng nặng đến 2 kg văng vào người mỗi khi xe vượt qua các ổ gà. Quãng đường chạy từ thôn Yên Thuận, qua Yên Ninh rồi đi Yên Thành vì thế được người dân khu vực 3 thôn và vùng phụ cận gắn cho cái tên là “con đường chết”.

 

Nhà cửa hư hại


Không chỉ cày nát đường, những chiếc xe chở quặng ở đây còn “phá” cả nhà dân hai ở bên đường. Thân hình gầy gò, gương mặt thất thần nhìn vào những vết nứt trong ngôi nhà cấp 4, anh Đoàn Quốc Huy (Kim Bình, Hưng Thịnh) nói trong xót xa: “Trước đây, cái nền nhà này vốn là một mỏm núi. Cả nhà tôi đầu tư tiền bạc, dày công san lấp, kè chắn mới nên mảnh đất bằng phẳng này để dựng túp nhà mà an cư. Giờ thì bao công sức của cả nhà tôi có nguy cơ đổ xuống sông, xuống biển”.


Chỉ tay vào mấy vết nứt toác trên tường gạch, anh Huy phân trần: “Ba đời nhà tôi ăn đói, nằm rét giờ mới xây được ngôi nhà gạch, rọi ngói. Gia đình tôi chưa kịp vui thì giờ đã phải lo vì nhà đã bị những đoàn xe chở quặng, xe lu vá đường “đập” nứt tường, ngói vỡ, nền nhà bị lún… Cứ đà này, chắc ngôi nhà cũng sập trong nay mai thôi”.


Dạo một vòng quanh ngôi nhà, chỉ nhìn qua thôi cũng thấy ngôi nhà nhỏ chằng chịt vết nứt. Trên vách tường đầu hồi cũng đã có dăm ba vết nứt, mỗi vết dài đến cả 1-2 m. Nhiều mảnh ngói rọi trên nóc cũng bị vỡ, nhưng chưa được lợp lại. Ngày thường không sao, mỗi khi mưa bão, gia chủ đành chịu cảnh ướt sũng. “Giờ thì có tích cóp cả đời đi làm công nhân cũng không đủ tiền xây nhà nữa”, anh Huy cay đắng nói.


Là công nhân của Công ty Cổ phần khoáng sản Hòa Yên, thế nhưng mỗi tháng anh cũng chỉ kiếm được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Nói là xây đường cho oách chứ thực ra, công việc chính của anh và hơn chục anh em chỉ là đi tát nước, đổ đá lăn đường cho xe chở quặng đi lại. Anh không thể ngờ, chính anh đã tiếp tay để công ty “phá” nhà của chính mình.


“Trong khi, các hộ dân khác có nhà bị nứt đã được đèn bù với mức từ 2 - 3 triệu đồng/hộ, nhưng gia đình tôi đến giờ vẫn chưa nhận được một đồng đền bù nào của công ty”, anh Huy nói.



Bài và ảnh: Quang Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN