Hội nghị có sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tư pháp cũng như Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan trực tiếp đến các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự… là các đạo luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Vì vậy, việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 đối với bộ, ngành Tư pháp, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua là hết sức quan trọng.
Bộ Tư pháp đã phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024 cho ngành Tư pháp, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả. Nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai năm 2024 và trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai. Tổ chức thực hiện có hiệu quả trong Bộ, Ngành Tư pháp Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 05/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai.
Thông qua Hội nghị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác góp ý, thẩm định của Bộ, Ngành Tư pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trung ương và cấp địa phương để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tham mưu của Bộ, Ngành Tư pháp để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo hiểu đúng và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024, cũng như xử lý tốt các vụ việc, các vấn đề liên quan phát sinh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp, từ đó góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới quan trọng. Luật Đất đai năm 2024 (cũng như các Luật Đất đai ở Việt Nam qua các thời kỳ) có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.