Trong đó, các lỗi vi phạm trực tiếp gây tai nạn giao thông chủ yếu là nhận thức, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, các lỗi vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, vi phạm quy định khi chuyển hướng, vượt xe không đảm bảo an toàn… 5 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ là các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh.
Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; phát hiện, lập biên bản 6.507 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 5.995 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 16,55 tỷ đồng. Ban An toàn giao thông tỉnh Tây Ninh còn triển khai công tác phòng, chống đua xe trái phép, các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…
Ông Phạm Trung Chánh, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, tính đến tháng 4/2024, địa bàn thành phố xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết, 16 người bị thương, trong đó 18 trường hợp liên quan đến thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Cụ thể địa bàn thành phố đã áp dụng phạt nguội qua hệ thống camera giám sát, bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Bốn tháng đầu năm, hệ thống camera đã phát hiện trên 5.900 trường hợp vi phạm, gửi thông báo vi phạm cho hơn 2.800 trường hợp với tổng mức xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 3.300 trường hợp chưa xử lý được, do khó khăn trong việc tra cứu dữ liệu phương tiện ở địa phương khác. Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh kiến nghị Bộ Công an hỗ trợ địa phương kết nối dữ liệu đăng kí phương tiện, để thuận lợi trong công tác tra cứu, xử lý phương tiện vi phạm.
Ông Đặng Hoàng Chương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh cho rằng, người tham gia giao thông không có giấy phép lái xe gây tai nạn giao thông, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người điều khiển phương tiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đào tạo giấy phép lái xe mô tô và ô tô, hàng tuần Sở Giao thông vận tải tỉnh tổ chức cho gần 200 học viên sát hạch giấy phép lái xe ô tô, gần 1.000 học viên sát hạch giấy phép lái xe mô tô. Ông Đặng Hoàng Chương đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phản ánh các hành vi sai trái về vi phạm trật tự, an toàn giao thông, thường xuyên kiểm tra đối với hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường…
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có số vụ tai nạn giao thông và số người chết tăng, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đề nghị các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai nhiệm vụ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu các địa phương, ngành chức năng xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhằm nâng cao ý thức trật tự an toàn giao thông.
Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân biết, chấp hành. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp theo từng ngành, lĩnh vực, tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lòng lề đường.