Cùng là cửa ngõ lưu thông quan trọng ở TP Hồ Chí Minh được xây dựng mở rộng 10 làn xe, nhưng do cách phân làn không thực tế dẫn đến tình trạng: hướng Đông - Bắc (tuyến xa lộ Hà Nội) thì thông thoáng còn hướng Tây- Bắc (tuyến Trường Chinh) thì ùn tắc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.
Tắc vì phân làn xe gắn máy
Kể từ ngày 2/5, khi Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) TP.HCM tiến hành phân luồng xe gắn máy trên đường Trường Chinh (đoạn từ cầu Tham Lương đến Cộng Hòa) theo hướng cấm xe gắn máy đi vào làn ô tô vào giờ cao điểm đã gây kẹt xe nghiêm trọng.
Đường Trường Chinh (TP Hồ Chí Minh) thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Sĩ Dũng |
Theo quan sát của phóng viên, thời điểm buổi sáng từ 6 giờ 30 phút, đoạn Trường Chinh hướng từ ngã tư An Sương về Cộng Hòa, làn đường dành cho xe gắn máy đã ùn ứ từ chân cầu Tham Lương. Tại giao lộ Phan Huy Ích - Trường Chinh, có tới 6 chiến sỹ cảnh sát giao thông, cùng 4 Thanh niên xung phong đứng chắn 3 đầu đường để điều tiết giao thông và hướng xe máy vào đúng làn, nhưng vẫn ùn ứ nặng. Do lưu lượng xe gắn máy rất lớn từ ngã tư An Sương đổ về nên đoạn đường trên càng ùn ứ nặng. Xe máy phải leo cả lên vỉa hè để cố thoát càng gây ra tình trạng hỗn loạn. Không những thế, dòng xe máy rẽ trái từ Phan Huy Ích vào Trường Chinh, do phía Trường Chinh ùn ứ nên dòng xe này không nhập làn được, phải dừng trên làn xe ô tô, khiến khi đèn xanh bên phía Trường Chinh thì xe ô tô bị chặn lại, không qua được. Không chỉ có ngã 3 Trường Chinh - Phan Huy Ích, mà các ngã rẽ khác trên đoạn đường này cũng chịu chung cảnh ngộ.
Giờ cao điểm buổi chiều là tình trạng tương tự ở hướng ngược lại. Từ khoảng 17 giờ, bắt đầu từ ngã 3 Cộng Hòa - Trường Chinh, dòng xe gắn máy rồng rắn nối đuôi “bò” trên làn đường của mình, trong khi phía làn xe ô tô, những chiếc xe lọt qua được “nút thắt” ngã 3 Cộng Hòa đã tăng tốc phóng vèo vèo vì đường khá trống trải.
Anh Quan Thái, nhà trên đường Trường Chinh, quận 12 than thở: “Trước đây đoạn này không hề bị kẹt xe hay ùn tắc, do vào giờ cao điểm cảnh sát giao thông vẫn linh động cho xe gắn máy lưu thông vào làn ô tô. Từ đầu tháng 5 đến nay, tôi phải mướt mồ hôi qua đoạn đường này. Tuy có 2,5 km, nhưng nhiều hôm đi đến 45 phút mới thoát qua được. Hôm nào cũng bị đi làm trễ và về đến nhà tối mịt vì nó là con đường độc đạo”. Còn ông Đức Khôi, thường đón xe buýt ở trạm gần ngã ba Tây Thạnh –Trường Chinh, cho biết: “Dạo này xe buýt không thể đón khách đứng ở lề trong như trước đây. Muốn đón được xe buýt, khách phải băng qua làn xe gắn máy, tới tận làn đường ô tô. Chính vì thế, gần đây tôi thường xuyên không thể đi được xe buýt nếu đứng đón trong lề đường”.
Cần sự linh động
Đường Trường Chinh thường xuyên xảy ra ùn tắc. |
TP.HCM họp khẩn chống ùn tắc trên đường Trường Chinh
Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên đường Trường Chinh, ngày 8/5, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã có cuộc họp khẩn cấp để giải quyết. Theo đó, các giải pháp sẽ được thực hiện ngay gồm: không cho xe buýt đi vào làn xe hỗn hợp; cấm xe dừng đậu giờ cao điểm tại làn hỗn hợp; Sở GTVT kiến nghị công an chủ động điều tiết cho xe gắn máy đi vào làn đường ô tô trong giờ cao điểm khi xảy ra ùn tắc ở làn xe hỗn hợp. Bởi vì, vào giờ cao điểm sáng chiều, do một số loại xe tải bị cấm lưu thông vào nội đô nên ở làn đường ô tô khá vắng. Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng đề nghị chính quyền các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 12 tăng cường xử nghiêm những trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường dọc tuyến đường này. |
Cũng giống như đường Trường Chinh, nhưng tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ Đông - Bắc TP hướng từ Thủ Đức và quận 9 vào TP.HCM trong thời gian qua phần nào đã được giảm bớt, nhờ vào sự linh động phân luồng của lực lượng chức năng.
Mặc dù xa lộ Hà Nội và cầu Sài Gòn đã được phân làn bằng dải phân cách cứng giữa cho xe ô tô và xe gắn máy. Tuy nhiên do số lượng xe gắn máy buổi sáng quá đông nên thường xuyên diễn ra cảnh ùn tắc (trong khi làn xe ô tô (3 làn xe) lại khá thông thoáng). Khoảng thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ sáng lượng xe cộ vào trung tâm TP rất đông. Đặc biệt là số lượng xe gắn máy với mật độ dày đặc đổ dồn từ ngã tư Thủ Đức đến chân cầu Sài Gòn. Do làn đường dành cho xe hai bánh tại cầu Sài Gòn rất nhỏ hẹp nên lực lượng CSGT luôn có mặt tại chân cầu Sài Gòn và điều tiết cho xe gắn máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô. Nhờ đó các phương tiện đã lưu thông nhanh hơn qua “nút cổ chai” chân cầu Sài Gòn.
Trở lại với vấn đề của đường Trường Chinh, theo Sở GTVT TP.HCM, đường Trường Chinh có mỗi bên đường gồm ba làn ô tô và một làn xe hỗn hợp. Xe máy chỉ được phép lưu thông trong làn xe hỗn hợp, nhưng nhiều người đi xe máy thường đi sang làn đường ô tô. Việc cấm xe máy đi sang làn đường ô tô trên đường Trường Chinh là theo chỉ đạo của TP để đảm bảo an toàn. Tuyến đường Trường Chinh là một trong những tuyến đường “đen” của TP, khi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy đi sang làn ô tô gây ra. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nếu vin cớ đoạn đường này hay xảy tai nạn giao thông để cấm xe máy đi vào làn ô tô vào giờ cao điểm là bất hợp lý, bởi hầu hết tai nạn xảy ra đều không phải vào giờ cao điểm mà thường xảy ra vào buổi tối do xe máy đi vào làn xe ô tô và không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Có một thực tế trong những ngày phân luồng vừa qua là cảnh sát giao thông chỉ “dồn ép” xe máy vào làn trong giờ cao điểm, sau giờ cao điểm thì không có ai đứng chốt chặn và xe máy lại “vô tư” chạy vào làn ô tô. Như vậy, hiệu quả chống tai nạn giao thông đâu chưa thấy đâu, mà chỉ thấy tốn lực lượng phân làn và công sức, thời gian.
Nhiều người dân đi lại trên tuyến này cho rằng, việc phân làn như hiện nay là bất hợp lý. Để giải quyết tốt vấn đề trên tuyến này thì ngành chức năng nên cho phép xe gắn máy được lưu thông vào làn xe ô tô vào giờ cao điểm, sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 và chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. Sau giờ đó, nên có lực lượng cảnh sát giao thông đi tuần để phạt những người đi xe gắn máy chạy vào làn ô tô. Có như thế vừa giải quyết được tình trạng kẹt xe, vừa giải quyết được tai nạn giao thông mà không phải tốn nhiều công sức, như cách làm hiện thời.
Bài và ảnh: M.THUYẾT-S.DŨNG