Những khúc mắc ở Trường Tiểu học Bình Minh bao giờ được giải quyết?

Sự việc ba giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) bất ngờ nhận quyết định nghỉ việc từ tháng 9/2010 khiến nhiều giáo viên trong trường bất bình. Giáo viên trong trường tiếp tục gửi đơn thư tố cáo những sai phạm của trường: Lạm thu tiền xây dựng, trả lương cho cán bộ đã nghỉ việc hơn 2 năm, giấu sĩ số lớp…

Lĩnh “án” nghỉ việc vì thắc mắc?

Trong đơn khiếu nại gửi báo Tin Tức, ba giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh là Trịnh Quỳnh Trang, Mã Hoài Thêm và Tăng Thu Hằng cho biết, ngày 27/8/2010, toàn trường lên phòng tài vụ để nhận “quà” dịp Quốc khánh 2/9, số tiền 300.000 đồng/giáo viên. Cô giáo Trang không thấy mình có tên trong danh sách, hỏi thì được kế toán trưởng trả lời: “Nếu em đã “tị” như thế thì chị sẽ xem xét lại một số người”. Một danh sách lĩnh tiền mới được lập có tới năm giáo viên không có tên trong danh sách lĩnh tiền, đồng thời, toàn bộ giáo viên nhà trường phải ký lại do “làm nhầm”.

Ba giáo viên này tiếp tục hỏi ông Đinh Văn Đoàn, Hiệu phó - phụ trách nhà trường và được trả lời: “Sẽ xem lại hợp đồng lao động”. Chưa đồng ý với sự giải thích của nhà trường, ba giáo viên gửi đơn trình bày sự việc lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Hà Nội - cơ quan quản lý Trường Tiểu học Bình Minh. Vài hôm sau, ba giáo viên này nhận được quyết định nghỉ việc. Lập tức, trên trang web dinhdoan.net (trang web mà ông Đoàn hiện làm tư vấn tâm lý) đã đăng thông báo tuyển giáo viên dạy hợp đồng các môn mỹ thuật, hát nhạc, tiếng Anh (vị trí của 3 giáo viên vừa bị nghỉ việc) kèm hướng dẫn liên hệ nộp hồ sơ về cho ông Đinh Đoàn.

Chia sẻ với Tin Tức, cô Hằng (dạy tiếng Anh) không khỏi xúc động: Bị nghỉ việc bất ngờ, lại vào thời điểm đầu năm học (rất khó xin việc) tôi đã hỏi ông Đoàn nhưng không nhận được câu trả lời. Cô Trang đang mang thai tháng thứ 2 bị nghỉ việc cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Là trường công lập nhưng trường Tiểu học Bình Minh vẫn đưa ra những khoản thu bất hợp lý với học sinh, kể cả học sinh khuyết tật.


Trường Tiểu học Bình Minh được thành lập năm 1993 với hệ công lập dành cho học sinh khuyết tật và hệ bán công dành cho học sinh bình thường. Theo phản ánh của nhiều giáo viên trong trường, suốt 17 năm qua, mỗi năm, gần 40 giáo viên, nhân viên hệ bán công đều ký hợp đồng có thời hạn một năm với nhà trường. Một giáo viên (xin giấu tên) cho biết, cô đã làm tại trường 17 năm thì có tới 17 lần cô phải ký vào một bản hợp đồng vào đầu năm học. Sau sự việc, Sở GD - ĐT Hà Nội đã kiểm tra về hợp đồng lao động và đến nay, trường Bình Minh đã hợp lý hóa những hợp đồng lao động này.

Trao đổi với Tin Tức, ông Đinh Văn Đoàn khẳng định việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ba giáo viên nêu trên là đúng. Và đã thông báo trước cho giáo viên biết sự việc trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, khi PV đưa ra “Biên bản họp Ban giám hiệu” ngày 16/8 về kế hoạch dạy học năm học 2010- 2011 có tên những giáo viên trên thì ông Đoàn ngập ngừng không trả lời.

Ông Đoàn cho biết, ông không biết cô giáo Trang mang thai và “nếu biết thì trường sẽ xem xét bố trí công việc khác phù hợp với sức khỏe” của cô giáo này. Nhưng khi PV nhắc lại sự việc ngày 24/8 cô Trang phải sơ cứu vì ngất ở phòng Hội đồng trường và đã xin phép ông Đoàn nghỉ vài ngày với lý do thai nghén, lúc này ông Đoàn - một chuyên gia tư vấn tâm lý - không ngần ngại nói: “Nhiều lần cô này thông báo việc mình có thai và sảy thai, nên giờ tôi cũng không biết việc đó có thật không (?!) vì không có giấy tờ chứng thực việc mang thai”.

Tuyển "chui" để "rộng đường" lạm thu?

Theo tài liệu do một số giáo viên trong nhà trường cung cấp tại Trường Tiểu học Bình Minh còn tồn tại một số biểu hiện sai phạm về thu chi tài chính. Trước mỗi năm học, Sở GD - ĐT Hà Nội yêu cầu các trường công lập không được phép thu tiền xây dựng trường của học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm nay Tiểu học Bình Minh vẫn thu tiền xây dựng theo mức: Lớp 1 thu 500.000 đồng/học sinh, lớp 2 đến lớp 5 thu 200.000 đồng/học sinh. Ở khối khuyết tật mới vào trường phải nộp tiền xây dựng là 200.000 đồng/học sinh. Trước những biên lai thu tiền học sinh khuyết tật, ông Đinh Văn Đoàn cho rằng quy định thì chung, nhưng khi vận dụng phải hết sức đặc thù.

Theo tài liệu cung cấp thì nhiều năm nay, sĩ số trung bình là 58 - 60 học sinh/lớp và trường chỉ báo cáo với Sở là 45 học sinh/lớp. Số học sinh thừa này lên tới hàng trăm học sinh được gọi là học sinh dự thính. Mỗi khi có lãnh đạo Sở về kiểm tra, học sinh dự thính được… đưa ra công viên ngồi. Mặt khác, học sinh cùng một lớp nhưng một số học tiếng Anh, số còn lại học tiếng Pháp. Nên đến giờ tiếng Anh, những học sinh học tiếng Pháp phải ra ngoài hành lang ngồi và ngược lại. Trong khi đó mỗi tuần có khoảng 10 tiết tiếng Pháp. Đề cập đến vấn đề này, ông Đoàn cho rằng đã "giấu thì phải giấu từ đầu đến cuối nên mới có chuyện các cháu ra công viên ngồi".

Theo tìm hiểu của Tin Tức, bà Đặng Thị Thúy (49 tuổi) - nhân viên nhà bếp - đã không làm việc ở trường được hơn 2 năm nhưng đến quý III/2010 vẫn có tên trong bảng lương của trường. Danh sách bảng lương nhiều giáo viên trong trường cung cấp, bà Thúy được nhận là 1,9 triệu đồng/tháng. Trao đổi qua điện thoại với Tin Tức, bà Đặng Thị Thúy cho biết, đã xin nghỉ việc không lương hơn 2 năm qua để chữa bệnh cách Hà Nội 50 km. Và cho biết từ khi nghỉ việc đến nay chưa về trường và cũng chưa nhận tháng lương nào và càng không hiểu sao không làm việc lại có trong danh sách nhận lương. Còn ông Đinh Đoàn khẳng định không hề hay biết gì về việc này (?!).

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN