Nhiều hồ sơ làm giả nạn nhân chất độc da cam.

Để thực hiện âm mưu trục lợi từ một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với những người tham gia kháng chiến, một số đối tượng đã câu kết với những cán bộ thoái hóa, biến chất, hình thành đường dây cung cấp những bộ hồ sơ giả.

Hồ sơ giả trị giá tiền triệu

Từ đơn thư phản ánh của các cựu chiến binh, qua xác minh 207 hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam của 6 xã, gồm: Cổ Lũng, Sơn Cẩm (Phú Lương), Phục Linh, Tân Thái (Đại Từ) và Quyết Thắng, Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên), cơ quan điều tra đã xác định được 101/207 hồ sơ có "vấn đề" và tất cả đều xuất phát từ...

Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên. Các hồ sơ này có đủ giấy ra viện, bản sao bệnh án, giấy chứng nhận bệnh tật, sổ điều trị ngoại trú tâm thần do bệnh viện cấp, trong đó có 60 trường hợp đề cấp từ năm 2004.

Trong các giấy tờ trên đều có chữ ký của Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Nam thần kinh, dấu của bệnh viện xác nhận... Tuy vậy, kết quả điều tra xác định được có 96/101 người trên thực tế không có ngày nào điều trị tại Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên.

Trong số 96 người này có 83 người không có tên trong sổ lưu trữ hồ sơ bệnh án; 13/96 có bệnh án nhưng thực tế cũng không nằm viện ngày nào...

Mẫu sổ điều trị ngoại trú tâm thần của Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên.


Trước cơ quan điều tra, 36 người đã thừa nhận không điều trị tại Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên, mà các giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ hưởng chế độ da cam là do mua hoặc xin được trong năm 2010.

Trong đó, một số người khai xin được của cán bộ bệnh viện, còn đại đa số khai phải mua trực tiếp của các cán bộ Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên hoặc mua qua "cò" với giá tiền từ 1 - 6 triệu đồng.

Qua một số cựu chiến binh ở huyện Phú Lương, chúng tôi đã gặp được ông Nguyễn Ngọc Chi, một cựu chiến binh ở xóm Tân Bình, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương và là người đã từng "chạy" được một số hồ sơ giả từ Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên. Khi được hỏi về việc làm hồ sơ giả cho những người làm thủ tục hưởng chế độ da cam, ông Chi thừa nhận: Do có mối quan hệ từ trước với một số cán bộ Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên nên ông Chi đã được nhiều người "nhờ" lấy giấy tờ liên quan đến việc điều trị ở bệnh viện.
 
Khi đặt vấn đề với một số cán bộ bệnh viện, ông đã có được mức giá cho mỗi bộ hồ sơ là 3 triệu đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn (trong khoảng tháng 4 đến tháng 5/2010), ông Chi đã gom được 40 bộ hồ sơ. Giúp ông Chi tập hợp hồ sơ để làm hồ sơ giả còn có ông Hải, ông Sinh (ở xã Cổ Lũng), ông Bảo (xã Phấn Mễ).

Số tiền này giao trực tiếp cho một số người như: Chị T. ở khoa Khám bệnh, anh L. ở phòng Kế hoạch, ông Th. khoa Nam thần kinh. Việc giao tiền được thực hiện thành nhiều lần, số tiền đã đưa cho anh L. 70 triệu, ông Th. 27 triệu, còn chị T. mỗi lần lấy sổ khám chữa bệnh lại phải đưa thêm 300.000 đồng...
 
Khi được hỏi về động cơ của việc làm hồ sơ giả, ông Chi biện hộ: Đây là làm cho anh em quen biết chứ không tính đến lợi nhuận, vì những người nhờ làm hồ sơ đưa cho bao nhiêu (3 triệu đồng), ông lại đưa cho cán bộ Bệnh viện tâm thần hết.

Phần ông chỉ hy vọng sau này khi những người làm hồ sơ có kết quả tốt (được hưởng chế độ) sẽ "lại quả" cho ông với mức 500.000 đồng/bộ hồ sơ!? Nhưng lợi nhuận chưa thấy đâu, vì sau khi làm xong 40 bộ hồ sơ, có 6 người do không đúng mẫu hoặc sợ bị phát hiện nên không lấy nữa, ông phải xé đi và chịu "lỗ".

Để xác minh những điều ông Chi nói, chúng tôi đã gặp ông Vũ Đức Hải, công an viên xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng - người đã giúp ông Chi làm hồ sơ giả.

Ông Hải cũng thừa nhận: Bản thân ông đã gặp ông Chi và gom giúp ông Chi 3 bộ hồ sơ. Tuy nhiên, giá của mỗi bộ hồ sơ không phải là 3 triệu đồng như ông Chi nói mà là 4,5 triệu đồng.
 
Ông Hải đã cầm 9 triệu đồng của ông Thắng (thị trấn Đu) và ông Lẫm (xã Phấn Mễ) để đưa cho ông Chi, còn ông Lợi thì ông Hải đưa đến để tự đưa tiền làm hồ sơ cho ông Chi...

Vô trách nhiệm hay cố tình làm sai?

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Ngô Quang Trúc - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên lúc đầu còn cho rằng đây là tin đồn, rồi vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa được phát ngôn.

Về trách nhiệm cá nhân, giám đốc bệnh viện đã làm tròn trách nhiệm và đã từng có biện pháp ngăn chặn việc ký các giấy tờ liên quan đến việc làm hồ sơ cho người bệnh hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam...

Còn ông Đặng Ngọc Viện, Phó Giám đốc bệnh viện - người ký rất nhiều các giấy tờ liên quan đến các bộ hồ sơ giả cũng "đẩy" trách nhiệm cho cấp dưới.

Ông Viện cho biết: Hàng ngày ông ký rất nhiều loại giấy tờ nên không nhớ được. Cũng do tin tưởng vào cấp dưới nên cũng có lúc ký không kiểm tra hồ sơ gốc...

Hiện nay, số tiền cụ thể thu được trong vụ việc này của một số cán bộ Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên vẫn chưa có con số chính xác, nhưng rõ ràng việc "làm tiền" từ những giấy tờ này là hoàn toàn có thật.

Bước đầu, những cán bộ của bệnh viện ký tên trên các giấy tờ liên quan đến hồ sơ giả để trục lợi từ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam đã thừa nhận: Từ tháng 5 đến tháng 8/2010, họ đã cấp rất nhiều loại giấy: Giấy ra viện, giấy chứng nhận bệnh tật, sổ đăng ký ngoại trú tâm thần... nhưng đề lùi thời gian từ những năm 2004 hoặc 2005 cho những người thực tế không nằm tại Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên.

Để hợp thức hoá cho việc cấp các loại giấy tờ trên họ đã tự lập ra hoặc chỉ đạo cán bộ, nhân viên dưới quyền lập các bệnh án giả để nộp lên phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện.

Những người này đã lập ra gần 100 bộ hồ sơ bệnh án giả nhằm thu lời bất chính. Song đến thời điểm này mới chỉ có một người thừa nhận có nhận tiền và nộp lại số tiền mà mình nhận được.

Tài liệu điều tra cũng đã xác định được cùng tham gia vào việc làm các giấy tờ giả của Bệnh viện tâm thần còn có một số đối tượng khác ở huyện Đại Từ và huyện Phú Lương.

Cần xử lý nghiêm minh

Trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định: Cơ quan an ninh điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tích cực phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng để làm rõ các trường hợp nghi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ, chính sách của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Qua xem xét thực tế vụ việc, đối với những người tự làm giả hồ sơ hoặc thuê người khác làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ là hành vi vi phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo khoản 1, Điều 267 của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Đối với các đối tượng làm giả hồ sơ cho người khác để thu lợi bất chính đã vi phạm vào khoản 2, điều 267 Bộ luật Hình sự. Do vậy, ngoài việc đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi các quyết định hưởng chế độ cần phải khởi tố bị can, xử lý về mặt hình sự...

Được biết, trong thời gian qua, Công an huyện Đại Từ đã khởi tố 3 vụ với 9 bị can về tội làm giả hồ sơ để hưởng chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam và chế độ thương binh, thu giữ 169 tài liệu giả các loại.

Ngoài đường dây làm hồ sơ giả liên quan đến một số cán bộ ở Bệnh viện tâm thần Thái Nguyên, các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc liên quan đến làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh ở Tân Kim (Phú Bình), làm hồ sơ giả hưởng chế độ da cam ở Ký Phú (Đại Từ), Thuận Thành (Phổ Yên)...

Dư luận Thái Nguyên mong cơ quan chức năng sớm hoàn thành công tác điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm, để việc triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng. 

Hoàng Thảo Nguyên - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN