Trong phần trình bày của mình, bị cáo Trương Quốc Cường xin giảm án cho các bị cáo dưới quyền và mong Tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện khách quan, chủ quan để cân nhắc mức án cho bị cáo sao cho “không đem lại nỗi đau khổ cho bị cáo và gia đình bị cáo”.
Được quyền nói lời sau cùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận các trách nhiệm, sai phạm trong vụ án, song mong Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh phạm tội. Bị cáo Cường trình bày: Giai đoạn mới đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược, bị cáo đã tiếp quản một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật "còn rất thiếu". Tuy nhiên, lúc này, các doanh nghiệp cũng bắt đầu nộp rất nhiều hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc, dẫn đến quá tải. "Anh em ở Cục đều làm việc trong hoàn cảnh quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn... Song họ đều là những cán bộ mẫn cán, làm hết trách nhiệm", bị cáo Cường nói, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót, trong đó có trách nhiệm lãnh đạo của bị cáo. Bị cáo Cường xin được giảm mức án nhẹ nhất cho các bị cáo trước đây là cấp dưới của bị cáo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng mong Tòa xem xét mọi khía cạnh trong vụ án, xem xét các điều kiện khách quan, chủ quan để cân nhắc mức án cho bị cáo sao cho “không đem lại nỗi đau khổ cho bị cáo và gia đình bị cáo”.
Trong phần đối đáp trước đó, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố một lần nữa khẳng định cáo buộc bị cáo Trương Quốc Cường không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội là phản ánh thực tế diễn biến tâm lý của bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, ở giai đoạn truy tố, khi công tố viên hỏi cung, bị cáo Trương Quốc Cường thừa nhận những nội dung cụ thể, chi tiết từng hành vi, nhưng bị cáo sau đó chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu. Tại tòa, diễn biến tâm lý của bị cáo Cường thay đổi liên tục, không nhất quán. Đối với việc không đình chỉ lưu hành thuốc khi có thông tin nghi ngờ là không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại thời điểm năm 2014, bị cáo Cường nhận thức là chưa có đủ điều kiện để quyết định đình chỉ lưu hành. Tuy nhiên, đến nay, bị cáo Cường nhận thấy việc không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao và ăn năn về hậu quả xảy ra. Tới cuối phiên tranh luận ngày 17/5, bị cáo Cường cũng đã thừa nhận các hành vi bị Viện Kiểm sát truy tố trong việc thẩm định, xét duyệt 7 loại thuốc Health 2000 và được đại diện Viện Kiểm sát đánh giá là "đã thành khẩn".
Trong phiên tranh luận kéo dài hai ngày qua, các luật sư bào chữa của bị cáo Cường đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại các tình tiết "thiếu trách nhiệm" mà thân chủ bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cáo buộc.
Cụ thể, với cáo buộc thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định, các luật sư của bị cáo Cường cho rằng thực tế, theo quy chế Bộ Y tế, bị cáo Cường chỉ có trách nhiệm "thành lập nhóm chuyên gia thẩm định", không có trách nhiệm phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động chuyên môn của họ. Các chuyên gia phải chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật về mọi hoạt động nghề nghiệp của mình.
Với cáo buộc không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, các luật sư nhận định, phía Cục Quản lý Dược đã chờ văn bản có tính chất pháp lý để xác nhận về hai công ty liên quan thuốc nghi giả. Sự việc Cục A83 Bộ Công an gửi công văn tới Cục Quản lý Dược, theo các luật sư, nhằm "xác minh dấu hiệu vi phạm, thu thập hồ sơ, chứ không có mục đích cảnh báo". Thực tế, phải đến 5 năm sau, tức là năm 2014, từ kết quả tương trợ của Canada về việc Heatlth 2000 không có nhà máy sản xuất, Cơ quan công an mới có cơ sở khởi tố điều tra để làm rõ. Trước khi khởi tố vụ án, Cục Quản lý Dược cũng không nhận được thông tin thuốc giả từ cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra y tế cũng như các cơ quan khác.
Đối đáp với các luật sư của bị cáo Cường về những quan điểm bào chữa nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng diễn biến công khai tại phiên tòa cho thấy có rất nhiều sai phạm của cán bộ tại Cục Quản lý Dược, đều thuộc quyền quản lý của bị cáo Cường, cả về mặt hành chính và chuyên môn. Cụ thể, bị cáo Cường đã không quản lý cấp dưới, để bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược) tự ý đưa ra những ý kiến không đúng, để 7 loại thuốc này lọt vào vòng xét duyệt của Hội đồng. Quá trình thẩm định của nhóm chuyên gia, bị cáo cũng không kiểm tra, giám sát.
Bị cáo Cường đã ghi nhận các email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả và sau đó chính bị cáo Cường đã ký văn bản gửi Cơ quan Hải quan để kiểm tra. Theo quy định, khi có nghi ngờ là thuốc giả, bị cáo Cường đã có thể đình chỉ lưu hành, nhưng bị cáo không làm. Điều này bị kiểm sát viên xác định là bị cáo đã "không làm hết chức trách, nhiệm vụ".
Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu rõ, các bị cáo đều là người có kiến thức chuyên môn cao trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh, nhưng chỉ vì ham muốn tìm kiếm lợi nhuận, thu lợi bất chính mà bất chấp pháp luật và đạo đức. Hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật, sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến uy tín ngành y tế, phạm tội nhiều lần.
Hội đồng xét xử sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 19/5.