Các bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù, Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) 5 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là vụ án được mở rộng điều tra từ vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79) và đồng phạm. Năm 2014, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa “tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an” ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký các văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an. Tuy nhiên, sau khi được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao nhà đất trên, Phan Văn Anh Vũ không sử dụng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành mà hợp tác thực hiện dự án xây dựng trên khu đất 15 Thi Sách nhằm thu lợi cá nhân.
Theo Hội đồng xét xử, mặc dù đã có những quy định rõ ràng nhưng bị cáo Nguyễn Hữu Tín khi tiếp nhận đề nghị về việc cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách thì đã không báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; không giao Ban Chỉ đạo 09 tham mưu đề xuất mà đã bút phê chỉ đạo: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục”. Sau đó, các bị cáo Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út đã tham mưu cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.
Theo Hội đồng xét xử, xét một cách tổng thể vụ án xảy ra có phần trách nhiệm của bị án Phan Văn Anh Vũ và bị án Trần Việt Tân (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) và cấp dưới đã dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo nên Hội đồng xét xử đã đánh giá khách quan và toàn diện về trách nhiệm của các bị cáo để có mức án tương xứng. Trong vụ án này, hành vi của các bị cáo là thực hiện các công việc hành chính theo nhiệm vụ được phân công, không tổ chức bàn bạc nên loại trừ tình tiết đồng phạm.
Về việc trong quá trình xét hỏi, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng bị oan sai, Hội đồng xét xử nhận định, trong toàn bộ các văn bản tham mưu, dự thảo..., bị cáo Kiệt đều có ký, ký nháy, bút phê... thể hiện sự đồng ý của bản thân bị cáo. Bị cáo phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình đã gây ra hậu quả thất thoát tài sản của Nhà nước. Các bị cáo còn lại thể hiện sự ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi sai trái của mình.
Từ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo mức án dưới khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 là đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan của vụ án. Dù trong vụ án này không đề cập việc giải quyết trách nhiệm dân sự, nhưng Hội đồng xét xử ghi nhận việc các gia đình các bị cáo nộp 3,4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Hội đồng xét xử tuyên chuyển cho Cơ quan thi hành án để thực hiện nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và khắc phục hậu quả của Phan Văn Anh Vũ trong các vụ án khác.