Ngang nhiên lấn chiếm vùng triều nuôi ngao trái phép ở Thanh Hóa

Tình trạng lấn chiếm vùng triều để nuôi ngao trái phép ở vùng ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa đang diễn ra phức tạp. Việc làm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân nơi đây. Bà con ngư dân đang mong chờ chính quyền huyện Hậu Lộc sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Người dân bức xúc

Qua đường dây nóng của Báo Tin tức, nhiều tuần nay, ngư dân địa phương rất bức xúc phản ánh tình trạng trên. Về nơi từng xảy ra những vụ chìm tàu thuyền làm chết hàng chục ngư dân trong cơn bão cách đây vài năm, chúng tôi chứng kiến những gì người dân phản ánh là có cơ sở.

Cùng lên tàu đi khảo sát thực tế tại vùng biển xã Ngư Lộc với đoàn khảo sát của huyện Hậu Lộc, chúng tôi nhận thấy: Cách bờ biển khoảng 3 km có khoảng 8 - 9 chòi canh ngao được các đối tượng nuôi ngao trái phép dựng kiên cố. Hàng loạt cọc gỗ nhỏ to giăng hàng phân chia "ranh giới". Theo một cán bộ xã Ngư Lộc thì các đối tượng dùng những cọc gỗ hoặc những cây phi lao khô héo, thậm chí nhiều cây cọc còn quấn vải cho dễ nhận biết để phân chia "ranh giới". Sau đó, các đối tượng này dùng sà lan chở cát đổ xuống biển để nuôi ngao. Bà con ngư dân các xã Ngư Lộc, Hưng Lộc phản ánh: Liên tục từ đầu năm đến nay, tại khu vực trước bờ biển xã Ngư Lộc, Hưng Lộc, tình trạng này diễn ra thường xuyên. Ngay lúc đoàn của huyện đi kiểm tra cũng đã bắt gặp tình trạng các đối tượng đang đi cắm cọc xí phần. Dọc theo bờ biển của 2 xã Ngư Lộc và Hưng Lộc, các chòi canh ngao và những hàng cọc phân chia ranh giới đã gần như dàn hàng ngang chắn hết lối vào bến neo đậu tàu thuyền của bà con ngư dân.

Một người dân phản ánh việc đổ cát nuôi ngao trái phép làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước.

Việc làm này trước hết ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và sinh thái vùng triều này. Theo đó, số ngư dân đánh bắt nhỏ ven bờ cũng thất thu vì cá, tôm không vào nơi đây sinh sản. Nhưng nghiêm trọng hơn là việc vào bờ của các tàu cá của ngư dân bị cản trở. Ông Nguyễn Văn Giai, một thuyền trưởng ở xã Ngư Lộc, bức xúc cho biết: "Giờ đây, việc cho tàu vào bờ của ngư dân chúng tôi là cả một vấn đề nan giải bởi chúng tôi phải tránh các bãi ngao này. Nếu đi thẳng vào bến đỗ như trước đây không may vướng phải lưới vây ngao thì chúng tôi bị các đối tượng này bắt phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nếu không nộp phạt thì sẽ bị đánh đập. Không những vậy, tàu vướng vào cát cũng bị hư hỏng, gãy chân vịt, hàn lại cũng mất đến cả triệu bạc. Vậy nên mỗi lần ra khơi hoặc vào bến đỗ, chúng tôi phải đi vòng thêm 5 hải lý nữa, chi phí xăng dầu cũng tốn thêm 1-2 triệu đồng".

Trước tình trạng này, không chỉ có bà con ngư dân bức xúc mà chính quyền sở tại cũng lo. Trong đó lo nhất là những lúc có bão gió, tàu thuyền của ngư dân nếu cứ phải đi đường vòng không kịp vào nơi neo đậu tránh trú bão thì rất nguy hiểm. Thêm vào đó, việc đổ cát nuôi ngao trái phép cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước của cống Ba Gồ thuộc địa bàn xã Hưng Lộc - chiếc cống này là nơi tiêu thoát nước cho diện tích canh tác của xã và 2 xã lân cận khi mùa mưa lũ đến.

Điều đáng nói nữa là việc lấn chiếm trái phép vùng triều đã gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng tại các xã vùng biển. Mạnh ai nấy chiếm nên có tình trạng sau khi đối tượng này lấn chiếm xong, thả nuôi xong thì một số đối tượng khác "mạnh hơn" đến lấn chiếm lại. Theo phản ánh của bà con ngư dân, phần lớn những đối tượng này thường tụ tập thành nhiều băng nhóm, rất liều lĩnh nên ngư dân và cả cơ quan chức năng trong xã đều không dám mạnh tay vì sợ bị trả thù. Nhiều vụ đánh nhau, gây mất trật tự an ninh giữa các đối tượng này vẫn xảy ra ngay tại bãi nuôi.

Sẽ xử lý triệt để

Điều đáng nói là việc lấn chiếm trái phép vùng triều diễn ra đã lâu nhưng chưa được lực lượng chức năng cũng như chính quyền huyện xử lý triệt để. Gánh nặng về chi phí cũng như nỗi lo khi mùa mưa bão đến gần đang đè nặng lên người dân nơi đây. Bởi Ngư Lộc có gần 400 phương tiện đánh bắt, tính sơ sơ mỗi tàu một tháng ra khơi 2-3 chuyến, mỗi chuyến ra khơi, các tàu cá tốn thêm từ 1 đến 2 triệu đồng tiền xăng, dầu, cả tháng các tàu cá cũng mất ngót nghét cả tỷ đồng. Do vậy, người dân đang rất mong chờ chính quyền huyện sớm vào cuộc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: "Từ nay đến hết tháng 8, huyện sẽ hoàn thành việc đo đạc, định vị lại những diện tích có thể nuôi trồng của 5 xã vùng biển để cho đấu thầu. Ngay sau khi định vị những diện tích không được phép nuôi, huyện sẽ kiên quyết giải tỏa, thu hồi".

Theo đó, huyện sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng triều theo hướng vừa phát huy lợi thế của vùng triều cũng như đảm bảo lợi ích cho bà con ngư dân. Trong đó ưu tiên dành diện tích cho neo đậu tàu thuyền và luồng lạch ra vào của tàu thuyền, đặc biệt phải đảm bảo được an toàn cho tàu thuyền ra vào bến nhanh chóng khi có bão lũ xảy ra. Tại 5 xã ven biển đều lấy mốc 500 m tính từ bờ trở ra để trồng cây chắn sóng và tạo môi trường khai thác tự do cho bà con. Số diện tích còn lại sẽ được quy hoạch cho đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Huyện sẽ sớm tổ chức cắm mốc giới diện tích quy hoạch từng vùng cụ thể, định vị điểm mốc bằng các cọc bê tông hoặc gỗ kiên cố, đảm bảo đúng vị trí và dễ nhận biết. Sau khi mốc giới được xác định, huyện sẽ kiên quyết xử lý triệt để, không bao che các trường hợp cố tình vi phạm. Hiện tại, các cơ quan chức năng của huyện đang tiến hành khảo sát, định vị lại diện tích vùng triều. Đồng thời cử lực lượng biên phòng thường xuyên túc trực tại các xã để ngăn chặn tình trạng cắm mốc và đổ cát trái phép.

Nhóm Phóng viên

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN