Mặt bằng “làm khó” tiến độ dự án

Quyết tâm trong năm 2012 TP.HCM sẽ dứt điểm các dự án giao thông huyết mạch để cải thiện nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc không có mặt bằng thi công đang làm khó cho nỗ lực này.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều công trình giao thông trọng điểm đang vướng mặt bằng, gây khó khăn cho tiến độ dự án theo yêu cầu của thành phố. Hầu hết các dự án trên đều mang tầm quan trọng không nhỏ trong việc giải quyết ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Tình trạng thi công cầm chừng và “cắt khúc” khiến bộ mặt đô thị TP.HCM trở nên nhếch nhác.

Xa lộ Hà Nội, dự án trọng điểm cửa ngõ phía đông bắc TP theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012, nhưng hiện tại nhiều đoạn vẫn chưa có mặt bằng để thi công.


Điển hình nhất là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM - được xem là dự án quan trọng để giải quyết lưu lượng xe cộ dày đặc và thường xuyên ùn tắc. Dự án này có điểm đầu từ cầu Sài Gòn đến nút giao Tân Vạn, dài 15,7 km được Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) khởi công tháng 4/2010, với tổng mức đầu tư gần 2.287 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 1.701 tỉ đồng bằng hình thức BOT trong nước. Dự kiến cuối năm 2012, dự án trên hoàn thành. Thời gian thu phí để hoàn vốn đầu tư dự kiến 25 năm. Thế nhưng tiến độ dự án đang đứng trước những thách thức rất lớn do bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Hiện tại các đơn vị thi công dự án này đang bị “cắt khúc”, thậm chí một số gói thầu thi công cầm chừng để chờ bàn giao mặt bằng.

Theo báo cáo của CII, phần mở rộng và cải tạo trục đường chính đoạn từ nút giao Cát Lái đến tiếp giáp cầu Rạch Chiếc (dài 1,2 km, rộng 44m - 54m) vẫn chưa thể thi công do Sở GTVT chưa bàn giao mặt bằng từ Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây; đoạn từ cuối nút giao ngã tư Thủ Đức đến cầu vượt Trạm 2 (dài 2,7 km, rộng 24m - 41m) cũng bế tắc nhánh bên trái do vướng tuyến ống nước D1000. Tương tự, đoạn từ cầu vượt Trạm 2 đến nút giao Đại học Quốc gia (dài 0,5 km, rộng 41m) và từ cuối nút giao Đại học Quốc gia đến Tân Vạn (dài 2,2 km, rộng 37m) chủ đầu tư thậm chí còn chưa nhận được kế hoạch bàn giao mặt bằng.

Đối với hạng mục đường song hành phía bên phải (từ cầu Sài Gòn đến Biên Hòa) thì đoạn từ siêu thị Metro An Phú đến Rạch Chiếc và đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc (dài 1,6 km, rộng 8m - 12m) đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, hạng mục đường song hành phía bên trái, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức dù đã có mặt bằng nhưng do quý II/2012, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và dự án lắp đặt ống cấp nước của Sawaco sẽ khởi công tại vị trí trùng lên lòng đường song hành, khiến chủ đầu tư không thể thi công vì sợ lãng phí.

Các công trình trọng điểm ưu tiên thi công trong năm 2012: Mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2, tỉnh lộ 25B, đường Vành đai 2, đường song hành Hà Huy Giáp, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; đường nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, đường Liên cảng A5, cầu Suối Cái, cầu Rạch Tra.

Một dự án trọng điểm khác cũng đang trong tình trạng “không biết bao giờ xong” vì vướng mặt bằng, đó là dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với chiều dài 13,657km, mặt đường rộng từ 30 - 60m. Toàn tuyến có 3 cầu vượt sông và 6 cầu bộ hành được dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2014, nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn bị vướng hàng chục trường hợp nhà, đất ở ba quận: Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức. Vì thế, việc thi công xây dựng công trình phải tiến hành song song với việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến cầu Bình Lợi hoàn thành vào giữa năm 2013 và toàn bộ công trình phải đưa vào sử dụng trong năm 2014.


Trong buổi làm việc ngày 9/3 về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu các cơ quan liên quan và quận huyện đẩy nhanh việc giao đất cho chủ dự án sớm thi công và hoàn thành công trình. Riêng với dự án đường vành đai, các địa phương cần rà soát lại những khu đất dọc đường vành đai phía đông để nhanh chóng bàn giao cho các đơn vị thi công nhanh chóng, khép kín tuyến đường này. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết, theo kế hoạch, năm 2012 thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, nhất là phải tập trung quyết liệt, khẩn trương bàn giao mặt bằng thi công. Thành phố sẽ thường xuyên giám sát tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA để thực hiện điều chuyển vốn kịp thời, hợp lý; đồng thời ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành trong năm 2012 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Sĩ Dũng



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN