Theo cáo trạng, Lê Kim Quy không có chức năng, nhiệm vụ tuyển dụng, xin việc làm, nhưng trong hai năm 2014 và 2015, Quy đã đưa ra thông tin gian dối là có chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành công an, Quy có nhiều mối quan hệ quen biết có thể xin được vào ngành công an để tạo niềm tin cho nhiều người giao tiền đặt cọc cho Quy “chạy việc". Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Quy không xin được việc như đã hứa hẹn và không trả lại cho các nạn nhân số tiền đã nhận.
Trong số 15 người bị hại có ông Mai Đức Toán (cán bộ công an nghỉ hưu, trú tại tỉnh Ninh Bình), bố của cô gái vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng chưa xin được việc làm. Thông qua các mối quan hệ của đồng nghiệp, tháng 10/2014 ông Toán đã nhờ Quy xin việc cho con gái với “phí” 300 triệu đồng. Quy cam kết trong thời gian 6 tháng nếu không xin được việc thì sẽ trả lại hết tiền. Quá thời hạn cam kết, Quy không xin được việc cho con gái ông Toàn nhưng không chịu trả lại tiền mà cứ khất lần.
Ngày 23/3/2016, Quy gọi điện thoại cho anh Toán nói Bộ Công an "đã duyệt chỉ tiêu" cho con gái ông Toàn và yêu cầu ông chuyển thêm 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó con gái ông Toán vẫn không được nhận vào ngành công an.
Ông Toán nhiều lần đến nhà Quy đòi tiền thì bà ta viết giấy hẹn nhưng kết cục vẫn không hoàn tiền. Sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Kim Quy (ngày 20/11/2017) thì gần một năm sau người con trai của bị can này mới trả tiền cho ông Toán.
Ngoài ông Mai Đức Toán thì Lê Kim Quy còn dùng thủ đoạn tương tự để lừa đảo 14 người khác. Trong đó, anh Nguyễn Xuân Hiếu (trú tại xã Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên) bị chiếm đoạt 250 triệu đồng, chị Trần Thị Lệ Hoa (trú ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị chiếm đoạt 185 triệu đồng, chị Bùi Thị Hà (trú ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La) 200 triệu đồng…
Cơ quan tố tụng xác định, Lê Kim Quy đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số gần 3 tỷ đồng của 15 người bị hại. Trước và sau khi bị khởi tố, Quy đã trả được 1,28 tỷ đồng, hiện tại còn chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng.