Nhiều người dân, dù biết rõ việc chơi hụi có nhiều rủi ro nhưng với việc huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn, nhiều người đã bỏ số tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí là trăm triệu đồng vào chơi hụi.
Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan Công an tỉnh Bạc Liêu đã liên tiếp bắt giữ, xử lý các đối tượng lừa đảo hụi. Tháng 3/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu truy tố đối tượng Ngô Kim Xuyến (41 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là một chủ hụi đã mở 104 dây hụi mùa và hụi tháng để lừa đảo, chiếm đoạt trên 15 tỉ đồng. Từ năm 2008, Xuyến bắt đầu làm chủ hụi và đến tháng 10/2020 tuyên bố vỡ hụi. Trong thời gian làm chủ hụi, Xuyến vận động được hàng trăm hụi viên trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, kể cả vùng nông thôn, tham gia. Từ tháng 5/2016 - 8/2020, Xuyến nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các hụi viên để lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bạc Liêu) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Dương Ngọc Liên (sinh năm 1973, ngụ ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Từ năm 2020 đến tháng 5/2022, lợi dụng lòng tin của người dân, Dương Ngọc Liên đứng ra tổ chức nhiều dây hụi để người dân địa phương tham gia; lập ra 27 dây hụi khống để chiếm tiếp tục chiếm đoạt của hụi viên gần 1,9 tỷ đồng.
Tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lâm Thị Tám (sinh năm 1987, ngụ ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 1,6 tỷ đồng từ các dây hụi.
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, Lâm Thị Tám đứng ra làm chủ nhiều dây hụi, thu hút đông hụi viên tại địa phương tham gia từ năm 2009. Tuy nhiên đến tháng 5/2021, không có khả năng xoay sở tiền, Lâm Thị Tám đã lấy tên khống, tham gia 35 phần hụi để hốt hụi và bán phần hụi khống cho hụi viên khác trong 8 dây hụi đang làm chủ, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là các vụ vỡ hụi điển hình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân đã được lực lượng chức năng bắt giữ và điều tra xử lý theo các quy định của pháp luật.
Những vụ vỡ hụi luôn đi kèm với tình trạng xáo trộn cuộc sống của người dân, gây mất an ninh trật tự trong khu vực. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo và đã xảy ra các vụ vỡ hụi, khiến nhiều hụi viên phải trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn chưa xem đây là bài học và tiếp tục trở thành nạn nhân của những vụ vỡ hụi. Chơi hụi là hình thức huy động vốn “truyền thống” có từ rất lâu, với hình thức huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên đã thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân trong tuân thủ các quy định pháp luật khi tổ chức chơi hụi chưa cao, ít quan tâm, tìm hiểu quy định pháp luật hoặc biết nhưng không yêu cầu chủ hụi thực hiện. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc về hụi từng lúc còn chậm, kéo dài, chưa bảo đảm kịp thời răn đe, giáo dục, tuyên truyền...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hụi, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực họ, hụi, phường trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất, bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định liên quan lĩnh vực hụi đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân; tập trung vào đối tượng là chủ hụi, hụi viên, tiểu thương, người buôn bán nhỏ tại các chợ, các địa điểm tập trung buôn bán hàng hóa, lao động nông thôn... để chủ động trong các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn.
UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nắm dư luận và giám sát hoạt động hụi tại địa phương để tổng hợp tình hình báo cáo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức liên quan. UBND cấp xã phân công đầu mối tiếp nhận, thống kê thông tin về hụi, vận động người tham gia hoạt động hụi, nhất là chủ hụi thực hiện thông báo khi tổ chức dây hụi theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp không chấp hành theo quy định, tránh tình trạng khi vỡ hụi, có thiệt hại xảy ra ảnh hưởng đến an ninh trật tự mới phát hiện, xử lý.
Khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra, UBND cấp xã khẩn trương thành lập tổ xử lý với các thành phần gồm: Công an, Tư pháp, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trưởng Ban nhân dân khóm, ấp...; thực hiện lập danh sách, thống kê đối tượng, số lượng hụi viên tham gia; phân loại, xác định tính chất, mức độ vi phạm; hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết; đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong thời gian cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Công an tỉnh làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi; đề nghị chính quyền địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hụi và tổ chức kiểm tra việc khắc phục này.