Không có đất sản xuất vẫn bị “ép” nhận cây giống

Việc hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ - TTg ngày 07/8/2009 cũng như các chương trình hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào dân tộc thiểu số khác (như Chương trình 135) ở tỉnh Đắk Lắk đã phát sinh nhiều bất cập, lãng phí.


Gia đình bà Đặng Thị Hiền, trú tại thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) thuộc diện hộ nghèo, cả hai vợ chồng đều ở độ tuổi ngoài “thất thập”, sức khỏe yếu không thể lao động. Ngoài ngôi nhà nhỏ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì gia đình không có mảnh đất để sản xuất. Vậy nhưng những năm trước đây, cán bộ xã Ea Kuêh vẫn đến tận nhà để “vận động” gia đình ký khống vào danh sách được hỗ trợ cây giống, mỗi năm 50 cây giống (gồm xoài và bơ) trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Có lần ông bà không chịu ký thì họ vận động người cháu ký thay.


Cán bộ xã Ea Kuêh còn nghĩ ra “chiêu” lập danh sách khống hàng chục hộ và nhóm hộ không thuộc diện hộ nghèo được nhận cây giống hỗ trợ. Theo kết quả kiểm tra sơ bộ của Thanh tra huyện Cư M’gar, với “chiêu" này, trong năm 2010, cán bộ xã Ea Kuêh đã bỏ túi riêng khoảng 35 triệu đồng. Chưa hết, theo phản ánh của người dân ở Ea Kuêh, hầu hết các hộ nghèo được hỗ trợ cây giống đều phải ký nhận số lượng cây được hỗ trợ nhiều hơn số cây nhận thực tế.


Huyện Cư Kuin có tới 6/8 xã được hưởng lợi từ Quyết định 102. Trong đó, Ea B’hốk là xã có tỷ lệ và số lượng hộ nghèo thuộc diện nhiều nhất của huyện. Ông Đào Huy Cường, trưởng buôn Ea B’hốk, xã Ea B’hốk cho biết: Hầu hết các hộ nghèo trong buôn đều muốn nhận tiền để họ tự mua các vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ. Năm nào nguyện vọng này cũng được báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên do chủ trương là chỉ hỗ trợ bằng hiện vật, trong đó cây, con giống (gà, ngan…) luôn là những mặt hàng hỗ trợ được cán bộ huyện ưu tiên chọn. Do đó, với chính sách hỗ trợ “cào bằng” như vậy, rất nhiều hộ nghèo không có đất sản xuất nhưng vẫn phải nhận cây, con giống. Điển hình như gia đình ông Y Bá, cả hai vợ chồng đều mất khả năng lao động vì di chứng của bệnh phong. Ngoài mảnh đất để dựng ngôi nhà nhỏ (do chính quyền hỗ trợ xây), ông bà không có lấy một thước đất để sản xuất. Vậy nhưng năm nào cũng phải nhận mấy chục cây giống hỗ trợ. Nhận cây giống về, nếu may mắn thì bán lại được cho người khác với giá rẻ, còn nếu không cũng chỉ biết bỏ héo ở góc sân. Gia đình chị H’Ngút Buôn Yă cũng thuộc diện hộ nghèo của buôn Ea B’hốk. Mấy năm trước, chị đã cho thuê hết 3 sào đất sản xuất để lấy tiền lo đám tang cho chồng. Để duy trì cuộc sống, hàng ngày chị H’Ngút phải đi làm mướn. Vậy nhưng năm nào chị cũng phải nhận về mấy chục cây giống. Nhiều hộ được cấp con giống cũng lâm vào cảnh dở cười dở mếu. Được cấp mấy chục con gà, ngan giống nhưng vì không có không gian để nuôi, không có chuồng trại lại không có tiền để mua thức ăn nên hầu hết gà, ngan giống được hỗ trợ đều chết sạch.


Ông Võ Thành Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cư Kuin cho biết: Do đây là chương trình hỗ trợ sản xuất nên không thể cấp tiền trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, do khoản tiền hỗ trợ không lớn nên khó tìm được mặt hàng hỗ trợ phù hợp. Theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, người nghèo ở các xã vùng II, xã biên giới, hải đảo, xã bãi ngang được hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật với mức 80.000 đồng/người/năm. Hộ nghèo ở xã khu vực III, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ với mức 100.000 đồng/người/năm


Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm tỉnh được hỗ trợ trên 25 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo theo Quyết định 102. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ bình quân trên mỗi người nghèo quá thấp nên không phát huy được hiệu quả. Vậy nên cần nâng mức hỗ trợ lên gấp 3 hoặc 4 lần hiện nay thì mới mong có kết quả tốt.


Thiết nghĩ, để chương trình hỗ trợ người nghèo đạt được hiệu quả, nên cho phép các địa phương đầu tư một lần cho các hộ nghèo với mức cao (trên 10 triệu đồng/hộ) và đầu tư luân phiên (mỗi năm chọn một số địa phương). Còn với cách hỗ trợ manh mún, “cào bằng” như hiện nay thì chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”.

 

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN