Hội thảo đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và thiếu thống nhất trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, tìm ra những giải pháp tiếp tục cải cách pháp luật tố tụng hình sự nói chung và chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng.
Thảo luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, thực trạng hiện nay, tội phạm trên không gian mạng phát triển vượt bậc với các thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả nghiệm trọng, trên phạm vi rộng, số lượng bị hại rất lớn và hành vi phạm tội liên quan đến một khối lượng khổng lồ các dữ liệu điện tử có khả năng thu giữ. Điều này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải có phương pháp, cách thức để chắt lọc, thu giữ, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử hợp lý mới có thể chứng minh tội phạm một cách đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên hiện nay, hệ thống khung pháp lý quy định việc khai thác dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng trong các vụ án hình sự chưa được ban hành một cách đầy đủ, thống nhất; chưa có các quy định về cách thức, tiêu chuẩn khi khôi phục dữ liệu điện tử bị xóa từ các thiết bị, phương tiện điện tử; chưa có quy định về việc bảo quản, sao chép, lưu trữ các dữ liệu điện tử hình thành từ các hoạt động tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, pháp luật nước ta hiện chưa có quy định và sự thống nhất trong việc quy định nghĩa vụ của các công ty, nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông phải cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật về dữ liệu điện tử người dùng hoặc không có quy định thống nhất về trách nhiệm lưu giữ các dữ liệu này trong khoảng thời gian bao lâu. Có thể nói, việc khai thác, sử dụng chứng cứ điện tử nhằm chứng minh tội phạm trong giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Lấy ví dụ thực tiễn từ Bản án hình sự số 223/2023/HS-ST ngày 16/5/2023 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh về tội cướp tài sản mà đối tượng tác động là tiền mã hóa Bitcoin, vấn đề phải chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến tiền mã hóa – “tiền ảo” cũng đặt ra nhiều sự băn khoăn với các cơ quan tố tụng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng Khoa Luật Hình sự - Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, bất cập về chứng minh tội phạm liên quan đến tiền mã hóa có phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu hay không xuất phát từ việc chính sách hiện hành của Việt Nam cấm tiền mã hóa.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, gần đây Liên minh Châu Âu đã ban hành quy định về thị trường tài sản mã hóa để cho phép các hoạt động hợp pháp đối với tài sản mã hóa (crypto assets); đây có thể là một kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo. Trước sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc cấm tiền mã hóa một cách tuyệt đối, không xem chúng là phương tiện thanh toán cũng như tài sản sẽ gây khó khăn cho việc chứng minh tội phạm.
Khi Nhà nước có khung pháp lý về tiền mã hóa cũng đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về đối tượng tác động của các tội phạm xâm phạm sở hữu bao gồm tiền mã hóa cũng như phương tiện phạm tội trong việc thực hiện tội phạm. Từ đó các cơ quan tố tụng có cơ sở chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự liên quan tới tiền mã hóa.