Việc khám xét này đã được cơ quan tố tụng tiến hành tại 4 địa điểm gồm: 1 địa điểm tại tỉnh Điện Biên (nơi đặt trụ sở Công ty Bemes theo đăng ký kinh doanh) và 3 địa điểm tại Hà Nội (Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Ban quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội; Ban quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội). Sau khi khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ một số tài liệu liên quan.
Trước đó, chiều 5/7, Cơ quan điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Lê Thanh Thản và chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để xem xét phê chuẩn. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ tài liệu, xét thấy có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, sáng 8/7, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đối với bị can Lê Thanh Thản về tội “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị can Lê Thanh Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.
Theo thông tin ban đầu, trong vụ án này, bị can Lê Thanh Thản bị xem xét về những sai phạm của Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes trong xây dựng dự án nhà ở CT6 ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Trong dự án, có tòa nhà được xây dựng không có giấy phép, không có hồ sơ thiết kế và đã bán hết cho khách hàng. Để tạo niềm tin, Công ty Bemes đã thông tin sai lệch đến khách hàng về những căn hộ này là có đủ giấy tờ pháp lý. Vì vậy, khách hàng đã tin tưởng đặt tiền mua nhà. Bản thân các hợp đồng của Công ty ký với khách hàng cũng nêu rõ là những căn hộ này có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (sổ đỏ). Tuy nhiên, đến nay, các khách hàng này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, do không đủ điều kiện pháp lý để cơ quan chức năng cấp. Hành vi này đã cấu thành tội “Lừa dối khách hàng”.
Đây là trường hợp hiếm hoi các cơ quan tố tụng thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Lừa dối khách hàng”. Tội danh này được quy định tại Điều 170 - Bộ luật Hình sự năm 1985, Điều 162 - Bộ luật Hình sự năm 1999 và hiện nay là Điều 198 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội này gần giống với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định trong Bộ luật Hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, ở tội “Lừa dối khách hàng”, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội “Lừa dối khách hàng” với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.