Hải quan nêu các dấu hiệu sai phạm
Theo Tổng cục Hải quan, Asanzo được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 20/10/2016. Đến nay công ty đã thay đổi đăng ký 6 lần. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định các dấu hiệu vi phạm cơ bản. Trước hết, đối với vi phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu).
Theo đó, qua kiểm tra 14 container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo (Cty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo và Cty TNHH Đầu thư thương mại Việt Tài), xác định, hàng hóa nhập khẩu gồm: Máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện nguyên chiếc, xuất xứ “Made in China”, thể hiện bằng cách dán trực tiếp trên bao bì.
Kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xác định dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm bản quyền. Nhãn hàng Asanzo, hình đã vi phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hàng Asanzo, hình đã được đăng ký sử dụng với Cục Sở hữu trí tuệ.
Cơ quan điều tra xác định: Cty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam là hành vi nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo và các nội dung khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, theo bản án số 01/2019/KDTM-PT ngày 9/1/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa Công ty Đông Phương và Asanzo tuyên xử: “Buộc Asanzo phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo có hình Asanzo dán trên giao diện trang web có địa chỉ http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 07, 09, 11 (điện tử, điện lạnh, tivi) đang lưu hành trên thị trường, xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc các nhóm trên đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, Asanzo vẫn ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu Asanzo và hình Asanzo cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo trên các sản phẩm và chưa xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 07, 09, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam là không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, vi phạm các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Cơ quan điều tra xác định, hành vi sử dụng nhãn hiệu Asanzo của công ty là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan tới dấu hiệu vi phạm "lừa dối người tiêu dùng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành cho biết: Quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo. Đơn vị này có 12 dãy bàn dài 30 m, rộng 1,4 m (diện tích 45 m2), mỗi bàn để vừa một tivi 50 inch, 1 phòng kiểm tra bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn này vừa lắp tivi, vừa lắp điều hòa nhiệt độ.
Theo ghi nhận của hải quan, lắp 1 tivi cần 12 người và 30 phụ trợ với thời gian 30 phút. Sau khi lắp xong được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo có kèm logo, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số vạch Việt Nam sau đó bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa. "Đối chiếu với các video quảng cáo trên truyền thông có hình ảnh dây chuyền lắp ráp tivi bằng các thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sản xuất của Asanzo không đúng như quảng cáo", Phó tổng cục trưởng Hải quan nói. Về việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm, cơ quan điều tra xác định các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Theo điều tra, Asanzo đã ký hợp đồng dịch vụ số TA-AS24/2017 ngày 24/1/2017 với Cty Sharp – Roxy (Hồng Kông LTD) tại Việt Nam để được cung cấp những phần mềm và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong hợp đồng cũng đề cập nội dung chuyển giao công nghệ lắp ráp chi tiết bằng video và thực hành trên mỗi phần của tivi. Nhưng từ khi ký hợp đồng đến hiện tại, công ty vẫn chưa thanh toán dịch vụ như trong hợp đồng đã ký kết do chưa xin được xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc chuyển giao công nghệ.
Công ty Sharp Việt Nam đã có đơn tố cáo hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của Asanzo đến Công an TP. Hồ Chí Minh, cơ quan an ninh Bộ Công an. Về danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, Bộ KHCN khẳng định, không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Asanzo và các công ty có liên quan.
Mới đây, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của Asanzo, mã số thuế: 0314074316, địa chỉ: Phòng 903, tầng 9, Toà nhà Flemington Tower, 182 Lê Đại hành, quận 11, TP Hồ Chí Minh đến Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC-03) - Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự. Các vi phạm được xác định ban đầu gồm, khai thuế giá trị gia tăng không đúng quy định; kê khai chi phí được trừ không đúng quy định; không xuất hóa đơn; không nộp tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt; ghi đầu vào của mặt hàng điều hòa không đúng thực tế.
Ngoài ra, Asanzo còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 47,6 tỷ đồng. Trong số đó, truy thu thuế giá trị gia tăng là 21,3 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 7,7 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 11,5 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 10,3 tỷ đồng, số tiền chậm nộp là 1,6 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính về thuế là 5,4 tỷ đồng...
Chờ kết luận của cơ quan điều tra
Liên quan tới hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa cũng như các hoạt động của Asanzo, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: VCCI hiện chưa tiếp nhận được hồ sơ khai báo tư nhân của Asanzo, tức Asanzo chưa đến VCCI để đăng ký. Phía VCCI chưa có thông tin và chưa cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O cho Asanzo xuất hàng đi nước ngoài.
“Sau khi báo chí đưa tin, Asanzo đã gửi văn bản đến VCCI. VCCI có thành lập nhóm công tác làm việc với Asanzo nhằm trao đổi thông tin. Phía Asanzo đưa ra quan điểm về vấn đề này, tuy nhiên thực tế, VCCI chưa tiếp xúc với bộ hồ sơ của công ty này”, bà Trần Thị Thu Hương nói.
Theo đại diện Bộ công thương, việc cấp giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho Asanzo là trách nhiệm của Hội doanh nghiệp chất lượng cao TP.Hồ Chí Minh chứ không phải của Bộ. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, Tập đoàn này đã vi phạm những quy định về quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, theo Bộ Công Thương, hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ này cho biết đang xây dựng Thông tư về ghi nhãn hàng hóa “Made in Vietnam”.
Với những kết quả bước đầu của một số cơ quan ban ngành, ông Lại Anh Tuấn, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng: Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chứ chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không? Hiện doanh nghiệp này mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.
“Chưa đủ căn cứ xác định các công ty có phạm tội hay không? Vấn đề này phải có cơ quan điều tra vào cuộc để có kết quả thấu đáo. Ngay cả ý kiến nói các công ty trong Asanzo khai báo mua bán rất nhiều hàng hóa, nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh, việc mua bán chưa chắc đã nhiều. Việc khai báo đó cũng cần cơ quan điều tra”, ông Lại Anh Tuấn nói.
Sau khi nghe các ý kiến ban ngành, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã đề nghị các bộ ngành có liên quan chưa gửi ý kiến về cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phải nhanh chóng gửi về trong hôm nay và ngày mai để Tổng cục Hải quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ- KHCN), Bộ KHCN đã lập đoàn kiểm tra tại Asanzo và phát hiện những sai phạm về nhãn hiệu. Tuy nhiên, Bộ KHCN chưa thể kiểm tra tại một số công ty liên quan với Asanzo bởi các doanh nghiệp này không tồn tại tại địa chỉ đăng ký. Bước đầu, đoàn kiểm tra của Bộ KHCN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Asanzo và công ty đã nộp phạt. Còn qua kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm, đoàn kiểm tra Bộ KHCN phát hiện có 12 sản phẩm vi phạm quy định nhãn. Đây là những hàng hóa được nhà nhập khẩu bán lại cho Asanzo. Tuy nhiên, vì đơn vị nhập khẩu đến lúc đó không tồn tại ở địa chỉ đăng ký nên Bộ KHCN không làm việc trực tiếp được để xử lý được.