Xác định 2 lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai gọi điện can thiệp việc xử lý vi phạm giao thông
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, cho biết đơn vị vừa có kết quả xác minh ban đầu vụ Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai bị tố "bảo kê" cho xe vi phạm, trù dập cán bộ và không chi trả một số khoản chế độ.
Kết quả kiểm tra xác định Trung tá Phạm Hải Cảng (Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 2) đã gọi điện can thiệp cho 10 phương tiện vi phạm. Trung tá Phan Cẩm Tú (Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 1) cũng gọi điện can thiệp 6 phương tiện vi phạm.
Về thông tin cán bộ, chiến sĩ tố cáo bị trù dập, cơ quan thanh tra xác định năm 2019, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai điều động 72 lượt cán bộ, chiến sĩ (33 người luân chuyển định kỳ và chuyển đổi vị trí 39 người). Việc điều chuyển này được thực hiện theo quy định, trong đó chiến sĩ Võ Quốc Khánh được điều động từ Đội Cảnh sát giao thông số 2 sang Đội Cảnh sát giao thông số 1 nhưng đều làm nhiệm vụ tuần tra.
"Thanh tra Bộ Công an cho biết không có căn cứ cho thấy có việc cán bộ tố cáo tình trạng bảo kê xe quá tải bị trù dập" - Thiếu tướng Hiếu cho biết.
Nội dung thứ ba được cơ quan thanh tra Bộ Công an kết luận là việc quyết toán, chi trả một số loại tiền bồi dưỡng, chế độ tại Đội Cảnh sát giao thông số 2. Theo xác minh, 1,4 tỉ đồng tiền chế độ cán bộ, chiến sĩ được nhận về nhưng không được cấp phát mà giữ lại để sử dụng chung vào các mục đích trả điện nước, thăm hỏi hiếu, hỷ...
Về tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch, cơ quan thanh tra xác định Trung tá Phạm Hải Cảng quản lý 27 triệu đồng, 2 cán bộ khác là Trần Quang Giang và Dương Đình Thông đã nhận tiền kiểm dịch nhưng không phát cho cán bộ mà giữ lại sử dụng chung cho đơn vị.
Thanh tra đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an giao đơn vị kiểm tra, xác minh cụ thể hơn để có kết luận chính thức.
Đề xuất lùi thời điểm áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung
Liên quan đến Đề án cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được Thủ tướng phê duyệt thực hiện ngày 1/1/2020 trên phạm vi cả nước, Cục trưởng Cục pháp chế và cải các hành chính (Bộ Công an) Nguyễn Ngọc Anh cho rằng đây là một chủ trương lớn, đòi hỏi nỗ lực của các bộ ngành, trong đó Bộ Công an được giao xây dựng đề án.
Cục trưởng Ngọc Anh cho biết Bộ đã thành lập Ban nghiên cứu, xây dựng đề án chung và được Chính phủ phê duyệt việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung hình sự. Bộ Công an đã tổ chức thí điểm ở Công an Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở giam giữ thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an.
Bộ Công an hiện quản lý 69 trại tạm giam, trong đó có nhiều buồng hỏi cung đảm bảo chuẩn. Từ trước đến nay, ngành Công an đã làm và đạt kết quả tốt. Tuy vậy, điều kiện thực tiễn vẫn cần có thêm thời gian chuẩn bị để triển khai đồng bộ.
"Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo cấp thẩm quyền lùi thời hạn áp dụng vì cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo, tổ chức tập huấn cán bộ và có những yêu cầu đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực lớn hơn" - Cục trưởng Ngọc Anh cho biết.
Xác minh vụ Asanzo
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về vụ việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định "có dấu hiệu sai phạm".
"Nhưng để xác định là sai phạm hành chính hay sai phạm hình sự, cần xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật thì sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào", Trung tướng Quang nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm, đồng thời nâng cao nhận thức về sử dụng rượu bia khi lái xe
Về xử lý vi phạm người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, phải nhận thức rằng, hành vi sử dụng bia rượu, ma túy rất nguy hiểm, nay đã được đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Hiện Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông hiện xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền để Luật và khi Nghị định ban hành đi vào cuộc sống.
"Trên nghị trường Quốc hội vừa qua có rất nhiều ý kiến, nêu vấn đề làm sao đưa luật vào cuộc sống như nào. Theo chúng tôi, đây là vấn đề khó" - Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, trước khi có Luật Phòng, chống rượu, bia, thì 2 Luật về giao thông đường bộ và xử phạt vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý những hành vi này.
Thiếu tướng Đức cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý 182 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 880 trường hợp sử dụng ma túy khi tham gia giao thông. "Nhưng đây mới là ngọn của vấn đề, về gốc thì chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân" - Cục phó này cho biết.
Cũng về vấn đề này, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống rượu, bia hiện chưa hiệu lực, nhưng trong thời gian qua, lực lượng Công an đã có công cụ pháp luật và nhiều biện pháp xử lý. Khi Luật có hiệu lực và Nghị định hướng dẫn được ban hành ra sẽ giúp công tác này có hiệu quả, răn đe hơn.