Hà Nội yêu cầu xử lý 790 công trình vi phạm

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tư xây dựng. Trong đó có 1.036 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công; 558 trường hợp xây dựng cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây dựng sai phép. Các lực lượng chức năng đã cưỡng chế phá dỡ 601 công trình vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ 311 công trình khác, nhưng vẫn còn tồn đọng g ần 790 công trình đang tiếp tục giải quyết.

 

Một số điểm vi phạm được đánh giá nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận là công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại 55A-55B Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm); công trình sai phép tại số 12 ngõ 168 Thụy Khuê (Tây Hồ); một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Trung Văn (Từ Liêm); các công trình xây dựng không phép trên đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy)...

 

Công trình tại địa chỉ 55A-55B Bà Triệu xây dựng sai 3 tầng so với giấy phép và thiết kế .

 

Đối với khu vực ngoại thành, vi phạm nổi cộm là tình trạng xây dựng không phép (chiếm khoảng 93% tổng số công trình không phép trên địa bàn). Trong đó phần lớn là xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất công hoặc đất lấn chiếm, đất chưa có quy hoạch xây dựng, chiếm khoảng 65%. Các huyện để xảy ra nhiều vụ vi phạm là Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn... Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh tỷ lệ cấp phép xây dựng đạt rất thấp, thậm chí một số huyện khác không cấp được giấy phép xây dựng nào. Điều đó cho thấy, việc xây dựng ở ngoại thành vẫn tự phát, rất phức tạp và khó quản lý.

 

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao, khoảng lùi công trình… Ở khu vực nội thành đang có xu hướng tái phát trở lại, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn; ở khu vực ngoại thành việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp.

 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, để xảy ra những tồn tại trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu xây dựng thực tế; chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao, thậm chí chưa theo đúng quy hoạch đã duyệt; khi xảy ra vi phạm các cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý không kiên quyết triệt để, còn xảy ra tình trạng “phạt, cho tồn tại”; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ… Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của các chủ đầu tư, chủ công trình còn yếu, thậm chí biết là sai song vẫn cố tình vi phạm.

 

Để khắc phục những tồn tại và tăng cường công tác quản lý TTXD đô thị trên địa bàn, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các cấp phải thống nhất nhận thức, xác định quản lý TTXD là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và thường xuyên của chính quyền các cấp; trước tiên là thuộc trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng và UBND cấp xã phường, quận, huyện, thị xã, các cơ quan quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý xây dựng và UBND Thành phố.

 

Theo đó, cùng với việc tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật, vận động nhân dân, các cơ quan, tổ chức xây dựng công trình, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, triển khai xây dựng công trình theo đúng giấy phép, đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật, vệ sinh môi trường, các cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.

 

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan đến cấp phép xây dựng, xây dựng công trình, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp trong cấp phép xây dựng và nâng cao chất lượng cấp phép, giảm thiểu thủ tục hành chính, xác định rõ trách nhiệm quản lý.

 

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng đặc biệt lưu ý công tác thanh tra xây dựng tại cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn đều phải được kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Đối với những vi phạm về TTXD đang diễn ra, chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa triệt để, UBND thành phố g iao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xong dứt điểm trong quý III/2012. Cùng với xử lý các công trình vi phạm, tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm.

 

Đối với các huyện xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nhiều công trình trên đất nông nghiệp như: Quốc Oai, Sóc Sơn, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì… Thành phố giao Chủ tịch UBND huyện báo cáo thống nhất trong cấp ủy địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kiên quyết, triệt để, lập lại trật tự quản lý đất đai và đảm bảo ổn định tình hình ở địa phương.

 

Trong quá trình xử lý các vi phạm, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có thể quyết định thành lập đoàn thanh tra hoặc tổ công tác liên ngành để kịp thời xử lý nghiêm những vụ việc nổi cộm, phức tạp, bức xúc; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phải chuyển cơ quan điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

 

Minh Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN