Hà Nội đang vào mùa nắng nóng cao điểm, nhu cầu giải khát, hóng mát của người dân tăng cao. Lợi dụng điều này, hàng ngày, nhất là vào các buổi chiều tối, nhiều chủ quán ngang nhiên kê bàn ghế, tủ kính, xe thùng tự chế, dựng hàng quán... lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các cầu đường giao thông bắc qua sông Tô Lịch như cầu Yên Hòa, cầu Cót... để bán hàng, phục vụ ăn uống giải khát; gây mất trật tự an toàn giao thông, nhếch nhác rác thải, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Những hàng quán tự phát này thu hút khá đông người qua lại, người dân dừng chân vào mua hàng và tụ tập đến tận đêm khuya. Đáng quan ngại là nhiều xe máy, xe đạp của khách hàng dừng đỗ, để tràn lan dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Đồng thời, các loại vỏ đồ hộp, túi nilon, cốc nhựa, vỏ hoa quả... sau khi sử dụng bị vứt bỏ, xả thải bừa bãi ngày trên vỉa hè, thậm chí đổ thẳng xuống bờ sông Tô Lịch, gây mất vệ sinh môi trường, lâu ngày hình thành các “núi rác thải” tại chỗ, bốc mùi xú uế.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (nhà ở phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Cầu Yên Hòa được đầu tư, xây dựng khang trang, hệ thống vỉa hè, chiếu sáng đảm bảo mỹ quan, tạo thuận lợi cho người dân đi bộ hóng mát, nhưng hiện nay vào các buổi chiều tối, khu vực cầu đang bị chiếm dụng để kinh doanh. Người dân muốn đi bộ phải lách qua bàn ghế hoặc đi xuống lòng đường. Thực trạng này cần sớm được các cấp chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm, trả lại cảnh quan cho địa phương”.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân còn tận dụng khu vực lối ra vào phần đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp dọc sông Tô Lịch gần các cây cầu để kinh doanh. Việc tụ tập đông người đến tận đêm khuya tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân.
Anh Nguyễn Minh Đức (ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Buổi tối, tôi và các con muốn đi vào làn đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp, phải đi qua các hàng quán này. Chủ hàng ngang nhiên bày bàn ghế cho khách ngồi kín lối ra vào, thậm chí còn cản trở người dân qua đây...”.
Video Lực lượng chức năng ra quân xử lý hành vi lấn chiếm cầu giao thông để kinh doanh:
Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo và lực lượng 197, Công an phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) thường xuyên ra quân, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm cầu giao thông, vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Nhiều đợt ra quân, lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản xử lý hành chính, thu giữ bàn ghế, tủ kính để làm căn cứ thi hành quyết định xử phạt...
Tuy nhiên, trong quá trình lực lượng chức năng tuần tra, xử lý vi phạm, các cá nhân nhanh chóng thu dọn bàn ghế, né tránh bị kiểm tra, khi lực lượng chức năng dời đi, vi phạm lại diễn ra như cũ, gây khó khăn cho công tác xử lý. Thậm chí, nhiều chủ hàng còn có thái độ chống người thi hành công vụ...
Trung tá Vương Xuân Thương, Phó Trưởng Công an phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, trên địa bàn phường có 2 cầu bắc qua sông Tô Lịch là cầu Yên Hòa, cầu Cót, thời gian qua, nhiều đối tượng ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè cầu đường để kinh doanh hàng quán, công an phường đã thường xuyên ra quân xử lý nghiêm. Song, do các cầu thuộc địa bàn giáp ranh giữa 2 quận Cầu Giấy và Đống Đa, thời điểm diễn ra vi phạm vào chiều tối, nên công tác xử lý, duy trì đảm bảo trật tự đô thị chưa được triệt để. Thời gian tới, lực lượng chức năng địa phương sẽ tăng cường tuần tra, chốt trực, phối hợp với Công an các phường sở tại xử lý dứt điểm tình trạng này".
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; treo biển hiệu quảng cáo; xây bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.
Dư luận xã hội đang mong đợi các đợt ra quân, xử lý vi phạm trật tự đô thị của các cấp chính quyền nơi đây sẽ xử lý rốt ráo tình trạng nêu trên, hoàn trả công năng công trình, phục vụ cho người dân và đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, hạn chế ùn tắc giao thông và xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp.