Theo lời khai của các vi phạm, các giấy phép lái xe ô tô, mô tô này được mua trên mạng xã hội với giá 300.000 đồng và nhìn bằng mắt thường khó có thể phân biệt được.
Tại Cơ quan điều tra, đối tượng V.Đ.C. (một trong 15 đối tượng bị bắt) cho biết: "Vô tình tôi thấy trên mạng xã hội có dịch vụ làm giấy phép lái xe nhanh gọn, nên đã gửi thông tin kèm ảnh chân dung để cho họ làm giấy phép lái xe cho mình. Do bản thân chưa nhận biết được đây là hình thức làm giả giấy tờ, hơn nữa, trên giấy phép lái xe đó có in mã QR Code, quét bằng điện thoại vẫn hiện ra tên của mình nên tôi nghĩ đó là bằng thật".
Qua xác minh, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố 15 đối tượng về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật theo Điều 341 Bộ luật Hình sự. Những đối tượng này có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Nhận định về thực trạng trên, Trung tá Lê Duy An, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, rất nhiều người dân vẫn còn đang những nhận thức chủ quan về việc ngại đi học và thi tại các trung tâm, các cơ sở có chức năng mà lại tự ý lên mạng xã hội để làm các giấy tờ, giấy phép lái xe giả. Khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, người dân vẫn đang nghĩ là nó chỉ vi phạm pháp luật hành chính đơn thuần, nhưng thực tế đây là vi phạm pháp luật hình sự và việc này cũng đã bị sẽ bị xử lý hình sự chứ không dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Hiện nay, thông tin về giấy phép lái xe của người dân được lưu trên hệ thống dữ liệu của ngành giao thông vận tải. Nếu người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe giả sẽ nhanh chóng bị phát hiện. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.