Từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ các địa phương đã gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong kiểm soát an toàn giao thông (ATGT) và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, quản lý tải trọng xe.
Siết chặt quản lý hoạt động vận tải
Từ đầu năm đến nay trên cả nước đã xảy ra gần 7.000 vụ TNGT, giảm hơn 1.000 vụ so với cùng thời điểm năm 2013. Các tiêu chí về số người chết và bị thương cũng giảm mạnh. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số và giao thông dày đặc nhất cả nước nhưng do thực hiện tốt nhất các giải pháp đồng bộ kiềm chế TNGT nên 4 tháng đầu năm, các tiêu chí về TNGT đều giảm mạnh.
Xử lý nghiêm lỗi vi phạm luật giao thông. |
Theo Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái, kết quả này là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải; tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ và sự tuyên tuyền sâu rộng của báo chí về việc lập lại kỷ cương pháp luật giao thông.
Trong 2 tháng đầu năm, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp do TNGT tăng cao tại các vùng nông thôn. Trên các tuyến quốc lộ, các vụ TNGT liên quan đến xe tải, xe khách thường xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khắc phục thực tế này, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT đã chỉ đạo khẩn các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, kiểm soát chặt và xử lý nghiêm tình trạng xe chở quá tải, quá số người quy định... trên các tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm như: QL1, 5, 14, 51... Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình trạng TNGT đã được kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt, việc Bộ GTVT vào cuộc để kiểm soát tải trọng xe đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong 2 tháng gần đây số vụ TNGT giảm sâu.
Xe tải xếp hàng dài chờ san tải khi qua trạm cân trên QL70 qua Yên Bái. |
Ông Nguyễn Trọng Thái đánh giá: Công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái rất được chú trọng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần giảm TNGT. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sở GTVT các địa phương đã siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến, dịch vụ tại các bến xe, trạm dừng nghỉ; chấn chỉnh kịp thời hoạt động của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật...
“Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý trên gần 400.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 200 tỷ đồng và tạm giữ hơn 1.900 ô tô, hơn 35.000 mô tô các loại, tước trên 25.000 giấy phép lái xe”. Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt |
Các chuyên gia giao thông cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải được tăng cường. Tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ được nâng cao hơn cũng là yếu tố quan trọng để góp phần hạ nhiệt TNGT.
Theo nhận định của lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), các cơ quan chức năng đã bắt đúng "bệnh", đó là công tác quản lý vận tải và trách nhiệm của người thực thi công vụ có nơi, có lúc còn buông lỏng, từ đó có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nhờ triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT quyết liệt từ đầu năm, đặc biệt là với xe chở khách nên tình hình TNGT đã có chuyển biến tích cực.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải. Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước chính là Bộ GTVT và các Sở GTVT. Do đó, để ngăn ngừa các vụ TNGT, ngành GTVT xác định rõ phải chú trọng quản lý hoạt động vận tải, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân đứng đầu.
Siết chặt kiểm soát tải trọng xe. |
Năm ATGT 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng xe”, Bộ GTVT sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm về đảm bảo ATGT. Cụ thể, ngay trong tháng 5/2014, Bộ GTVT sẽ ban hành văn bản quy định việc xử lý vi phạm giao thông, trong đó sẽ không chỉ tập trung vào người điều khiển phương tiện, mà người đứng đầu các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu lái xe vi phạm. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp khoán trắng trách nhiệm cho lái xe.
Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung loại bỏ các tiêu cực trong ngành vận tải. Trước bức xúc của dư luận về tình trạng xe quá tải ở các địa phương vẫn ngang nhiên qua trạm cân mà không bị xử lý (“xe vua”), theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để xử lý “xe vua”, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định sẽ chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm bởi nếu đăng kiểm nghiêm túc thì sẽ không có xe quá tải. Sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ trình Chính phủ cấm toàn bộ xe hoán cải và đề xuất lộ trình xử lý những xe đã hoán cải. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát ATGT như xử lý tốt dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình làm cơ sở xử lý vi phạm giao thông và phạt nguội vi phạm cũng sẽ được tăng cường.
Từ sự vào cuộc của các ngành chức năng, công tác chấp hành quy định vận tải tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Tại thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị), những chiếc “xe vua” đã tự giác tìm bãi đất trống để hạ tải không cần sự giám sát của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp vận tải Xuân Thành lớn nhất tỉnh Hà Nam đã tự nguyện cắt toàn bộ 100% số thùng hàng cơi nới trên số xe của doanh nghiệp khi người đứng đầu địa phương trực tiếp “xắn tay” vào cuộc... Đây là những minh chứng thể hiện rõ nét nhất cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị để hạ nhiệt TNGT từ gốc.
Tiến Hiếu