Giao thông Hà Nội: Hiệu quả từ 'Quả đấm thép'

Khó ai hình dung được, chỉ với 5 tổ công tác, biên chế 60 cán bộ chiến sĩ - liên quân giữa 3 lực lượng: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông- mô hình “141” lại tạo ra “cú hích” mạnh đến vậy trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

 

Kiểm tra hành chính đối tượng vi phạm không đội mũ bảo hiểm tại chốt đường Láng-Nguyễn Chí Thanh vào đêm 16/9/2012. Ảnh: Viết Tôn

 

0h30 phút một ngày cuối tháng 9, tại ngã tư đường Hàng Bài-Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Khay. Tiếng còi, tiếng huýt sáo lao xao. Hàng trăm người hiếu kỳ hướng ánh mắt về phía Tổ công tác liên ngành 141 của Công an thành phố đang kiểm tra một đối tượng đi xe ô tô BMW. Lợi dụng sự nhốn nháo, hai thanh niên xăm trổ, đầu trần không mũ bảo hiểm tìm cách vượt qua chốt chặn. Lập tức, lực lượng thực thi nhiệm vụ tổ chức chặn bắt. Ánh sáng của những chiếc dùi cui điện lóe lên xanh lè ...

 

Ra đời đến nay hơn 1 năm, Kế hoạch chuyên đề số 141/KH-CAHN: Thành lập các tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển xe mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định…, mang vũ khí khi tham gia giao thông, thực sự đã đi vào “bộ nhớ” của không chỉ người dân Thủ đô mà còn nhân dân ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Khó ai hình dung được, chỉ với 5 tổ công tác, biên chế 60 cán bộ chiến sĩ - liên quân giữa 3 lực lượng: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông- mô hình “141” lại tạo ra “cú hích” mạnh đến vậy trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Các tổ công tác này đã kiểm tra, xử lý gần 23.000 trường hợp vi phạm, bàn giao trên 1.600 vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý; thu giữ một lượng lớn súng đạn, dao kiếm các loại. Trước thành công này, Công an thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập thêm 10 Tổ công tác đặc biệt 141, nâng tổng số Tổ công tác đặc biệt lên 15 tổ. Và tối ngày 19/9 vừa qua, các tổ này đồng loạt ra quân.

 

Một đồng chí lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết: Kế hoạch 141 Công an Hà Nội ra đời với phương châm "quân pháp bất vị thân". Bất kể ai cũng phải tuân theo luật pháp, con em trong ngành công an cũng không nằm ngoài pháp luật. Họ hoạt động bất kể giờ giấc, không địa điểm cố định, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. "Sức mạnh" của lực lượng này hình thành chính từ sự khoa học, bài bản trong công tác tổ chức. Các tổ công tác hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Họ sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để phát hiện, kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc: Lực lượng hóa trang tuần tra trên các tuyến phố nếu phát hiện có trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc đối tượng nghi vấn có dấu hiệu phạm tội thì sử dụng bộ đàm thông báo cho lực lượng công khai triển khai đội hình dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện đối tượng tàng trữ vũ khí, dao kiếm, ma túy…hoặc có dấu hiệu phạm tội thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ khống chế, áp giải đối tượng và đưa phương tiện, tang vật về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự.

 

Nhận xét về hiệu quả của Kế hoạch 141, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, mới đây đã khen ngợi: "Hơn cả bằng khen, giấy khen, thành tích, chiến công của Công an Hà Nội còn được đông đảo tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây mới là thắng lợi quan trọng của Công an Thủ đô trên mặt trận giữ gìn Trật tự an toàn xã hội".

 

Thế nhưng, liên quân 141 chỉ là một trong những "quả đấm thép" trong nỗ lực lập lại kỷ cương trật tự giao thông, an toàn xã hội của Hà Nội. Năm nay, thành phố tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp nhằm giảm tối thiểu 10% số vụ tai nạn, người chết, bị thương do tai nạn giao thông và 20% số vụ ùn tắc giao thông. Ngoài ra, kiên quyết xử lý nạn đua xe trái phép; triển khai ra quân hiệu quả năm an toàn giao thông trên toàn địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh, sắp xếp lại điểm trông giữ phương tiện... Hà Nội đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, các lực lượng vào cuộc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, trong tháng an toàn giao thông, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho người dân dưới nhiều hình thức kết hợp với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như: Điều khiển phương tiện khi uống rượu bia vượt quá nồng độ quy định; vi phạm tốc độ cho phép; vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường; đi vào đường cấm; đỗ dừng không đúng quy định; không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn...

 

Cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2012, các sở, ngành và quận, huyện cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, có nhiều thông điệp cảnh báo nguy hiểm để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Người đứng đầu thành phố yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đến các trường học trên địa bàn và có biện pháp xử lý đối với học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đề nghị Thành Đoàn Hà Nội phối hợp, chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường thường xảy ra các vi phạm, đồng thời, với việc thanh tra công vụ, xử lý tiêu cực khi thực thi công vụ.

 

Đáng chú ý, "áp lực" đối với người thực thi nhiệm vụ cũng được "giải phóng" khi vừa qua, Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị Chính phủ quy định nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, viên chức không được phép can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông. "Trên thực tế có nhiều người can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông, nói ra thì không tiện nhưng tôi đề nghị phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông để công tác xử lý vi phạm được nghiêm minh, vì cứ khi bắt các đối tượng vi phạm là lực lượng liên tục nhận được điện thoại từ các cấp lãnh đạo, anh em không nghe không được, khi xử lý không đảm bảo lại phê phán, chê trách là mắc khuyết điểm. Có như thế thì việc xử phạt mới nghiêm minh được”- Bộ trưởng cho biết.

 

Toàn bộ nỗ lực trên đã được ghi nhận bằng những kết quả ban đầu khá tích cực. Tám tháng đầu năm 2012, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm trên cả 3 tiêu chí. Toàn thành phố xảy ra 439 vụ tai nạn giao thông, giảm 51 vụ so với cùng kỳ năm 2011; làm 366 người chết, giảm 87 người và 210 người bị thương, giảm 37 người.

 

 

Hạnh Quỳnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN