Gian nan “cuộc chiến” chống buôn lậu

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán thường là dịp nhu cầu hàng hóa tăng cao nên những đối tượng buôn lậu tại khu vực biên giới các tỉnh phía Nam cũng hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn để tuồn hàng các mặt hàng như thuốc lá, đường cát, rượu ngoại về để tiêu thụ, kiếm lợi nhuận.

 

Hàng lậu vẫn tuồn qua biên giới

 

Dọc theo đường biên giới Việt Nam giáp Campuchia tại khu vực phía Nam, qua các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, về phía Campuchia có đặt nhiều kho hàng hóa. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những đối tượng buôn lậu hoạt động suốt ngày đem để đưa hàng lậu vào nội địa. Nếu so với trước đây, hàng hóa được tuồn về Việt Nam với số lượng lớn trên mỗi chuyến thì hiện nay, thủ đoạn tuồn hàng của những đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, nhiều cách hơn, thậm chí họ sử dụng người dân làm “chim mồi” (người theo dõi) để hàng được trót lọt.

 

Thuốc lá, mặt hàng được buôn lậu mạnh dịp giáp Tết. (Ảnh: TTXVN)


Theo Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, thời điểm này các đối tượng buôn lậu chủ yếu vận chuyển đường cát và thuốc lá, họ thường cấu kết, móc nối với nhau thành đường dây có tổ chức với những thủ đoạn tinh vi hơn trước đây. Để tránh bị bắt hàng hàng loạt và bị xử phạt nghiêm trọng, bọn buôn lậu thường xé lẻ hàng hóa, thuê người vận chuyển bằng xe máy vào nội địa. Ngoài ra, chúng còn sử dụng hình thức xoay vòng hóa đơn hàng hóa, đường cát thì được chia sang các bao bì không nhãn mác với hình thức doanh nghiệp được chia cắt hàng hợp pháp. Ngoài những thủ đoạn trên, chúng còn thuê người dân làm “chim mồi” lực lượng bộ đội biên phòng từ Bộ chỉ huy đến các đồn biên phòng, các trạm kiểm soát biên phòng. Số “chim mồi” này có mặt 24/24 giờ theo dõi và báo cáo hoạt động, số người ra vào của các đồn biên phòng. Vì vậy, mọi hoạt động cho kế hoạch đánh bắt buôn lậu đều thất bại nếu lực lượng ra đi cùng một lúc.

 

Theo Trung úy Phạm Minh Quân, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm ma túy, Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, địa bàn do đồn quản lý rất rộng, hơn nữa ngay trên đường bộ có những đường mòn, lối mở, bọn buôn lậu tuồn hàng qua lối này dễ dàng, thuận tiện. Khi chúng bị phát hiện thì sẵn sàng bỏ hàng chạy ngược về bên kia biên giới.

 

Ngoài ra, bọn buôn lậu luôn theo dõi đường đi, ban ngày sử dụng điện thoại, ban đêm sử dụng đèn pin để phát tín hiệu thông báo cho đồng bọn làm cho lực lượng chức năng không thể đánh bắt trót lọt được - Thượng Tá Trần Quốc Khánh, Đồn trưởng đồn biên phòng Vĩnh Nguơn chia sẻ.

 

Khu vực Bến Xuồng, Thị xã Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang là một trong những điểm nóng buôn lậu của tỉnh Kiên Giang. Nhiều đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương tiện được ngụy trang thành tàu đánh bắt thủy sản để vận chuyển hàng. Theo Đại úy Danh Kim Huol, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng của khẩu quốc tế Hà Tiên, nếu chúng phát hiện lực lượng chức năng sẽ gọi điện thoại thông báo nhau tẩu tán hàng hóa nên khó thực hiện kế hoạch truy bắt.

 

Tại tỉnh Đồng Tháp, với 9 km biên giới sông chung, các lực lượng phòng chống buôn lậu cũng gặp không ít thủ đoạn của bọn buôn lậu. Thiếu tá Nguyễn Văn Quỳnh, Chính trị viên, Đồn biên phòng Cầu Muống, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại 2 xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B có trang bị các loa phát thanh để chuyển thông tin và tuyên truyền phòng chống buôn lậu, nhưng bọn buôn lậu phá vỡ loa.

 

Theo thống kê của ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, trong năm 2014, các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện hơn 1.000 vụ vi phạm buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu và 1.000 vụ gian lận thương mại, tịch thu hơn 400.000 bao thuốc lá lậu, gần 2,8 triệu lít dầu DO, hơn 12 tấn đường cát Thái Lan, nộp ngân sách nhà nước hơn 67 tỷ đồng.

 

Thiếu phương tiện phục vụ chống buôn lậu

 

Theo Đại tá Lý Kế Tùng, với địa hình đa dạng qua đồng ruộng, sông nước, bưng biền nên các đối tượng buôn lậu đã tận dụng tối đa điều này để tuồn hàng vào nội địa, trong khi bộ đội biên phòng thì lại thiếu các phương tiện chuyên dụng để truy bắt đối tượng. Chẳng hạn, khi tác chiến trên sông hoặc vào mùa nước nổi, đội phòng chống buôn lậu cần được trang bị thêm phương tiện, thiết bị và kĩ năng bơi lội. Trước đây, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang có một đội đặc nhiệm phòng chống buôn lậu gồm 20 thành viên, nhưng đa số các thành viên lại không biết bơi.

 

Vừa qua, vì lực lượng chiến sĩ biên phòng khu vực biên giới còn thiếu nên Bộ tư lệnh biên phòng điều chuyển 400 chiến sĩ vào khu vực phía Nam nhưng có 100 chiến sĩ không biết bơi, Bộ chỉ huy không thể giao nhiệm vụ phòng chống, đánh bắt buôn lậu trong mùa nước nổi. Hơn nữa, khi thực hiện buôn lậu trong mùa nước nổi, các đối tượng thường trang bị xuồng máy tốc độ cao để vận chuyển hàng hóa, trong khi phương tiện của các lực lượng chức năng không thể đuổi kịp, Trung úy Phạm Minh Quân cho biết.

 

Thượng tá Trần Quốc Khánh chia sẻ, lực lượng phòng chống tội phạm buôn lậu thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở biên giới để đối tượng buôn lậu không thể sang biên giới lấy hàng về. Mặt khác thực hiện chốt chặn những khu vực đối tượng buôn lậu thường xuyên chuyển hàng về. Trong trường hợp không bắt được thì phải ngăn chặn để tránh tạo ra những điểm nóng buôn lậu, mang tính chất ồ ạt, quy mô. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của buôn lậu để họ cùng tham gia phòng chống.

 

Theo Đại tá Lý Kế Tùng, từ tháng 11/2013 đến nay, Ban Chỉ đạo 389 và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo và lập kế hoạch liên ngành cho các đơn vị gồm Quản lý thị trường, Biên phòng, Công an, Hải quan thành lập các tổ, đội đứng trên biên giới, các điểm nóng xảy ra buôn lậu thường xuyên để phòng chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015. Mặt khác, Bộ chỉ huy thực hiện quy định nếu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu lớn thì phải chịu trách nhiệm với cấp cao hơn. Trong trường hợp chiến sĩ biên phòng có liên quan đến buôn lậu thì phải chuyển công tác hoặc xử lý theo kỷ luật quân đội.

 

Theo ông Lư Văn Đời, Đội trưởng đội quản lí thị trường số 3 tỉnh An Giang, thời gian trước và trong Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu trên biên giới sẽ có chiều hướng gia tăng. Do vậy, đội kiểm tra liên ngành đã triển khai nhiều phương án phối hợp với địa phương, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các điểm trọng yếu của đường bộ và đường thủy. Mặt khác, vận động người dân phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu nhằm giảm thiểu tình trạng buôn lậu qua biên giới.

 

Hồng Nhung

Tăng cường chống buôn lậu trong dịp Tết
Tăng cường chống buôn lậu trong dịp Tết

Lực lượng Hải quan đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu những tháng cuối năm 2014, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN