Giảm tai nạn lao động:Cần tăng cường giám sát, kiểm tra

Thời gian gần đây, số lượng các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày một gia tăng, bên cạnh sự bất cẩn của người lao động có một nguyên nhân là DN vẫn chưa nghiêm túc trong việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân.

Gần 70% vụ xảy ra trong ngành xây dựng

Theo báo cáo của Hội đồng Bảo hộ lao động TP Hồ Chí Minh, thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra 909 vụ tai nạn lao động làm 43 người chết và 7 người bị thương. Số vụ TNLĐ và số vụ chết người đều tăng so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lĩnh vực xảy ra TNLĐ nghiêm trọng và nhiều nhất vẫn là ngành xây dựng (chiếm gần 70%).

Công nhân khi làm việc tại các công trình xây dựng rất cần được trang bị kiến thức về bảo hộ lao động (ảnh chụp tại một công trường xây dựng trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh).


Qua khảo sát thực tế các vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn, nguyên nhân chính xảy ra TNLĐ là do thiết bị không đảm bảo an toàn (chiếm gần 30%), do cả người lao động và người sử dụng lao động vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm gần 20%), do không có phương tiện bảo vệ cá nhân và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm gần 4%)... Tuy nhiên, lỗi phần nhiều là do bên sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện những quy định về an toàn lao động. Cụ thể tại các công trình xây dựng nhỏ, thường chủ công trình không có kiến thức về bảo hộ lao động hoặc cố tình không thực hiện các biện pháp an toàn lao động cho công nhân. Còn tại các công trình lớn, TNLĐ xảy ra chủ yếu do việc khoán trắng các gói thầu cho cai thầu, mà cai thầu thường cắt giảm tối đa chi phí bảo hộ lao động.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra Kỹ thuật an toàn - bảo hộ lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Nguyên nhân sâu xa của các vụ TNLĐ là sự tắc trách trong khâu tự kiểm tra điều kiện lao động của DN. Cụ thể qua thanh tra của đơn vị chức năng, có tới 80% DN xảy ra TNLĐ không kiểm tra điều kiện lao động của đơn vị. Nhiều vụ tai nạn chết người đều xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản như: Sửa điện không cắt nguồn, làm việc trên cao không đội mũ, thắt dây bảo hiểm... Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra của Ban Thanh tra kỹ thuật, an toàn, bảo hộ lao động thuộc Sở LĐ- TB&XH TP Hồ Chí Minh còn gặp khó khăn vì đội ngũ cán bộ thanh tra mỏng, không thể nào kiểm tra hết hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.

DN tăng cường tự kiểm tra

Trong khi nhiều chủ cai thầu cắt giảm tối đa chi phí bảo hộ lao động thì ngay bản thân những người lao động làm việc tại các công trình xây dựng cũng vẫn chưa biết đòi hỏi quyền được bảo vệ an toàn khi làm việc, thậm chí chính họ cũng đang xem nhẹ việc giữ an toàn vệ sinh lao động cho chính mình.
Thực tế cũng cho thấy, những trường hợp tử vong vì TNLĐ tại các công trình xây dựng thời gian qua chủ yếu là những lao động tự do, đa số chưa am hiểu cũng như không được hướng dẫn về những quy định an toàn trong lao động. Đối với những lao động này, khi có việc kiếm được tiền là vào làm, không quan tâm đến điều kiện an toàn lao động. Khi xảy ra TNLĐ, họ mới yêu cầu quyền lợi đảm bảo an toàn lao động cho mình thì đã muộn.

Một đại diện của Trung tâm kiểm định và huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, cho biết: Số lượng lao động trong ngành xây dựng đi học lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động là rất ít. Một phần do người sử dụng lao động không muốn cho người lao động đi học vì sợ tốn tiền và thiếu quan tâm đến tính mạng của người lao động. Đặc thù của đội ngũ lao động ngành này là có biến động cao, trình độ lao động thấp, lại chủ quan với tính mạng của mình.

Để giảm TNLĐ, ông Huỳnh Tấn Dũng cho hay: Thời gian tới sở sẽ tập trung thanh - kiểm tra những công trình trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các công trình xây dựng cao tầng. Chính DN nên nghiêm túc tự kiểm tra, vì khi DN làm tốt được cơ chế tự kiểm tra điều kiện lao động của mình thì TNLĐ sẽ giảm, sẽ không bị tổn thất nguồn lao động cho xã hội. Nếu chủ DN nhận thức đúng và thực hiện nghiêm các quy định về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thì dù làm việc thời vụ, người lao động cũng không dám tùy tiện vi phạm các quy định. Việc đảm bảo an toàn lao động không chỉ DN và các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm tra mà người lao động cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc này.

Mặt khác, sở dĩ vẫn còn DN chưa ý thức được việc tự kiểm tra an toàn lao động tại đơn vị mình còn do mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thanh tra viên khi phát hiện vi phạm chỉ được lập biên bản với số tiền phạt 200.000 đồng/vụ; còn Chánh Thanh tra là 20-30 triệu đồng/vụ. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để phải nâng mức xử phạt cho có tính răn đe.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN