Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm sử dụng ma túy

Trong thực tế, tình trạng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức và có chiều hướng ngày càng diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: phapluatxahoi.vn


Theo điểm 10, thông tư liên tịch số 17-2007-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác” quy định tại khoản 1 Điều 201 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác đã không làm đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng các chất đó.

Chẳng hạn như không thực hiện đúng với giấy phép quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại, sai với các quy trình hoạt động hoặc phân phối hoặc cấp phát không đúng đối tượng. Ví dụ, bán thuốc gây nghiện cho người khác mà không có đơn của thầy thuốc có thẩm quyền... hoặc thiếu trách nhiệm trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, để xảy ra mất mát, hư hỏng, sai số lượng, chất lượng, chủng loại...

Trong những năm qua đã xảy ra một số án việc có liên quan đến loại tội phạm này. Điển hình là vụ năm 2012 Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt hai đối tượng Nguyễn Quang Trung, Phan Đình Tài (Việt kiều Cộng hoà Séc) mua một lượng lớn thuốc tây để sản xuất ma tuý tổng hợp.

Vụ đầu tháng 5/2012 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ Vũ Đình Hải (SN 1973), ở khu đô thị Trung Hòa - Hà Nội điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại thuốc tân dược có trên thị trường. Tại hiện trường lực lượng chức năng thu giữ 58,774 gam ma túy “đá”, 72 gam tiền chất vừa được Hải và đồng bọn bóc tách từ thuốc cảm cúm cùng hàng chục chiếc can nhựa đựng hóa chất, nhiều loại thuốc tân dược và các dụng cụ, phương tiện để sản xuất, chưng cất ma túy tổng hợp.

Cùng trong khoảng thời gian trên, Công an tỉnh Long An đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Lục Gia Khánh trú tại ấp Bình lợi, xã Hoà Khánh Đông, huyện Đức Hoà, Long An đang sản xuất trái phép 4kg ma tuý. Qua đấu tranh đối tượng khai nhận từ tháng 7/2011 đến tháng 4/2012, với hơn 400 thùng thuốc tây đã sản xuất được khoảng 100 kg ma tuý “đá” bán ra thị trường thu lợi hàng tỉ đồng…

Tình trạng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác cũng diễn ra có nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng khiến tiền chất pseudoephedrine (PSE) trôi nổi trên thị trường dưới vỏ bọc hợp pháp là thuốc cảm, thuốc ho, thuốc giảm đau… đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội thu gom để sản xuất ma tuý đá thu lợi bất chính, gây nguy hại cho nhiều gia đình và cho toàn xã hội.

Để nâng cao hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, trong thời gian tới cần sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân nhằm thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

*Về hoạt động phòng ngừa xã hội của lực lượng Cảnh sát nhân dân:

Hoạt động phòng ngừa xã hội đối với loại tội phạm này có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng. Phòng ngừa xã hội không chỉ là ngăn ngừa mà còn có ý nghĩa chủ động tấn công tội phạm một cách có hiệu quả. Để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, theo chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần làm tốt một số mặt công tác sau:

- Thứ nhất: Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác.

Ma tuý là hiểm hoạ của toàn xã hội nên việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma tuý nói chung và tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác cần có sự tham gia tích cực, sâu rộng của toàn xã hội.

Để huy động tổng hợp sức mạnh của toàn xã hội thì công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đóng vai trò rất quan trọng. Lực lượng Cảnh sát nhân dân cần có sự chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn ma tuý từ đó chủ động trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này một cách có hiệu quả.

Công tác tuyên truyền cần tiến hành liên tục, đa dạng về hình thức và tập trung vào hai vấn đề cơ bản: Trước hết là tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy bao gồm phổ biến sâu rộng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, nguyên nhân, điều kiện phát sinh và phát triển tội phạm đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị trí, trách nhiệm và nghĩa vụ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý nói chung và tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác nói riêng.

Bên cạnh đó vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác. Từ đó người dân tự giác ý thức, có thói quen mua các loại thuốc có đơn của bác sỹ, cơ sở y tế điều trị, hơn nữa kịp thời phát hiện, tố giác với các cơ quan chức năng những biểu hiện nghi vấn của các cơ sở y tế, các quầy thuốc và của các cá nhân có nghi vấn vi phạm.

- Thứ hai, lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ động trong việc phối kết hợp với các cơ quan chức năng mà chủ yếu là quản lý thị trường, Cục quản lý dược của Bộ Y tế trong việc kiểm tra, giám sát các công ty sản xuất, các đại lý cung cấp thuốc, các cửa hàng thuốc, các bệnh viện, các cơ sở y tế trong việc thực hiện các thông tư, quy định của Bộ Y tế, của các cơ quan chức năng về công tác quản lý các tiền chất gây nghiện nhằm ngăn ngừa tình trạng nhập khẩu, mua bán các tiền chất, các loại thuốc cảm, thuốc ho, thuốc giảm đau… một cách tràn lan.

Tăng cường công tác kiểm tra các công ty, bệnh viện, cơ sở y tế, các nhà thuốc trong việc bán các loại thuốc nêu trên cần phải có toa thuốc và theo chỉ định của bác sỹ điều trị, của cơ sở y tế nhằm tránh tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ như hiện nay để đối tượng phạm tội mua các loại thuốc trên với số lượng lớn để điều chế ma tuý.

- Thứ ba, thông qua hoạt động phối hợp trong kiểm tra giám sát, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần làm tốt công tác tham mưu cho các cơ quan chức năng, đề nghị Bộ Y tế chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng, hoạt động mua bán các loại thuốc có chứa tiền chất PSE của các đơn vị kinh doanh, đồng thời có biện pháp kiên quyết trong giải quyết các sai phạm có liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác.

*Về hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cần chủ động phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ trong việc thu thập rộng rãi, có hệ thống các thông tin, tài liệu nhằm xác định rõ đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm phức tạp về tội phạm ma tuý nói chung và tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác nói riêng.

Công tác điều tra cơ bản cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cơ quan tổ chức trong và ngoài ngành theo kế hoạch thống nhất làm cơ sở quan trọng trong việc đánh giá tình hình, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác để từ đó đề ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Nắm chắc các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến các cơ sở y tế, mua bán thuốc trên địa bàn, tiến hành lập hồ sơ các đối tượng và cập nhật một cách thường xuyên. Đặc biệt chú ý tới các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có khả năng phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, các cửa hàng kinh doanh dược phẩm trên địa bàn, các đối tượng là trình dược viên có nhiều biểu hiện nghi vấn để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Tóm lại, tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác tuy không phải là loại tội phạm mới nhưng hiện nay đang diễn ra với số lượng ngày càng tăng và với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm và có nguy cơ lan rộng. Do đó, để đẩy lùi tội phạm về ma tuý nói chung và tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác nói riêng đạt được hiệu quả thì công tác phòng ngừa cần được tiến hành một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm trong đó lực lượng Cảnh sát nhân dân mà chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cần phát huy hơn nữa vai trò của mình để hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống loại tội phạm này đạt được hiệu quả cao.



Nguyễn Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN