'Cơ chế ngầm' giữa các bị cáo trong vụ án AIC

Chiều 29/12, trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Nhàn đã chi 14,8 tỷ đồng hối lộ cho nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khi tham gia đấu thầu là mặc định theo "cơ chế ngầm".

Chú thích ảnh
Xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Là người bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận Vũ không phạm tội “Nhận hối lộ”. Luật sư cho biết, quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Vũ đã hao tổn nhiều tâm sức cho công trình này. Bị cáo Vũ đã cố gắng hoàn thành tiến độ, để bệnh viện được đưa vào sử dụng đúng vào dịp chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, sau khi đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Vũ từ 10 - 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 9 - 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, rất nhiều đơn vị, đồng nghiệp, bệnh nhân đã ký đơn đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ.

Đối với quan điểm trên của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Vũ có rất nhiều công lao để biểu dương, khen thưởng. Nếu không xảy ra vi phạm, không có thiệt hại thì phải tặng bằng khen và rất nhiều khen thưởng cho bị cáo Vũ. Nhưng bị cáo Vũ vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy  định.

Trình bày tại Tòa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ cho biết, bị cáo tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Bị cáo chỉ có nguyện vọng duy nhất là được hưởng mức án phù hợp để sớm được trở về với gia đình.

Đối đáp với luật sư bào chữa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục khẳng định việc truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ về hai tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” là đúng, có đủ cơ sở chứng minh. Bị cáo Vũ đã có nhiều lời khai thể hiện tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Cụ thể, trong cột thứ tư của bảng kê về việc chi tiền cho các quan chức do nhân viên AIC giao nộp có ghi dòng chữ "Co Che", nên đây được hiểu là "cơ chế". Bởi vậy, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá việc hứa hẹn của bị cáo Vũ với bị cáo Nhàn là mặc định theo "cơ chế ngầm".

Về quan điểm luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Vũ nhận 14,8 tỷ đồng chỉ là "quà cảm ơn", không phải nhận hối lộ, đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn khái niệm của tội "Nhận hối lộ" và cho rằng bị cáo Vũ đã nhận tiền để làm việc theo yêu cầu của Công ty AIC, trực tiếp là bị cáo Nhàn, giúp công ty này trúng thầu.

Kiểm sát viên lập luận, luật không quy định bị cáo Vũ nhận tiền trước hay sau. Trên thực tế, AIC tham gia gói thầu nào trúng ngay gói đấy và việc này do bị cáo Vũ quyết định.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã kết luận: Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư, Phan Huy Anh Vũ được giao trách nhiệm quản lý Dự án theo quy định của pháp luật nhưng Vũ đã nhiều lần nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) tổng số tiền 14,8 tỷ đồng, thực hiện chỉ đạo của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phan Minh Trí thực hiện hành vi thông thầu giúp cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 152 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định hành vi của Phan Huy Anh Vũ phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” và đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Vũ từ 19 - 21 năm tù về 2 tội danh này.

Cũng trong phần tranh luận chiều 29/12, luật sư của bị cáo Trần Đình Thành đã rút lại quan điểm đề nghị chuyển tội danh cho thân chủ. Luật sư cho biết, sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đối đáp đã nhận thấy "có những đánh giá khách quan", đúng tội, đúng hành vi. Bản thân bị cáo Thành cũng đã nhận thức rõ về sai phạm và nộp đủ số tiền nhận hối lộ.

Trình bày ngay sau đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành khai đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Các căn cứ buộc tội mà đại diện Viện Kiểm sát đưa ra là có cơ sở, xác đáng. Bị cáo không có ý định và cũng không có yêu cầu gì về thay đổi tội danh. Bị cáo Thành đề nghị Hội đồng xét xử vẫn xét xử bị cáo về tội “Nhận hối lộ".

Đại diện Viện Kiểm sát xác định, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bị cáo Trần Đình Thành đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng trực tiếp từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động đến Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng. Công tố viên khẳng định, hành vi của Trần Đình Thành đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 10 - 11 năm về tội “Nhận hối lộ".

Kim Anh (TTXVN)
Xét xử vụ AIC: Đề nghị Cơ quan điều tra xác minh khối tài sản bị phong tỏa
Xét xử vụ AIC: Đề nghị Cơ quan điều tra xác minh khối tài sản bị phong tỏa

Chiều 28/12, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã tham gia đối đáp với các luận điểm bào chữa của các luật sư; đồng thời hạ mức án đề nghị đối với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN