Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hiệp, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phồ Cần Thơ cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện. Nhiều bất cập liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều tuyến quốc lộ đã xuống cấp.
“Năm 2018, có trường hợp vi phạm giao thông, qua kiểm tra giấy phép lái xe là giấy thật, nhưng khi được yêu cầu ký biên bản, người vi phạm nói không biết chữ. Những trường hợp này được các chiến sĩ báo về nhưng lại không chụp lại hình ảnh gì để có cơ sở kiểm tra”, ông Hiệp nói và góp ý cần xem xét lại chất lượng về đầu ra trong việc cấp giấy phép lái xe.
Đối với việc này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đặt ra khả năng người vi phạm không chịu ký biên bản nên nói là không biết chữ. Nếu thực sự có người không biết chữ cần xem lại cơ quan đào tạo sát hạch, bởi đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì lái xe không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, còn đòi hỏi khả năng đọc hiểu các quy định pháp luật. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao cho Công an thành phố kiểm tra kỹ vấn đề này để tìm gốc rễ vấn đề.
Theo báo cáo Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ, từ ngày 16/12/2018 đến 1/5/2019, địa bàn thành phố xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 45 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ tăng về số vụ số người chết và số người bị thương (tăng 4 vụ, 7 người chết, 4 người bị thương). Trong đó, 5 quận, huyện có số vụ tai nạn giao thông cao gồm: Huyện Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cái Răng, Cờ Đỏ, Bình Thủy.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn là do người điều khiển phương tiện không chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đi không đúng làn đường (28%), thiếu chú ý quan sát (12%), sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện (12%)… Các lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 16.700 cuộc tuần tra kiểm soát, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 17.700 trường hợp. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn hơn 1.500 trường hợp, vi phạm tốc độ hơn 3.200 trường hợp...
Đánh giá thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhưng hình thức lại thiếu sự đa dạng, ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ góp ý cần tổ chức đối thoại trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình, mời các diễn giả là Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát Giao thông để giải đáp thắc mắc của người dân. Đặc biệt, ngành chức năng cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Sau khi nghe ý kiến của một số cơ quan ban ngành, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống nhận định, các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông gồm con người, hạ tầng, phương tiện và cơ chế vận hành giao thông. Trong đó yếu tố ảnh hưởng trực tiếp chính là con người. Vì vậy, người đứng đầu UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tập trung công tác tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm, coi đây là phương thức để người dân thực nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông.
Sở Giao thông Vận tải cần lên phương án xử lý theo khả năng một cách tối đa các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong trường hợp địa phương có phản ánh; tuy nhiên, cần kiểm tra thực tế tránh tình trạng nghe là làm nhưng không đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Sở cần sớm triển khai đề án xe buýt công cộng, thay thế cho hệ thống xe buýt đã quá lạc hậu hiện nay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Cảnh sát Giao thông kiểm tra các vấn đề xe quá khổ, quá tải, đỗ xe không đúng nơi quy định, kinh doanh vận tải, các điểm đen, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn giao thông. Các cơ quan liên quan nghiên cứu hệ thống cầu vượt trên địa bàn.