Cảnh giác với thủ đoạn 'đáo hạn ngân hàng'

Ngày 3/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1993, trú tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tháng 10/2021, Thương thường xuyên đến chăm sóc sắc đẹp tại Trung tâm Thẩm mỹ viện Dr.Seoul Skin nên quen biết chị Hoàng Thị H (kỹ thuật viên thẩm mỹ) và anh Nguyễn Đăng L (bác sỹ thẩm mỹ viện). Quá trình nói chuyện, Thương thường giới thiệu với họ bản thân đang làm dịch vụ cho khách hàng vay tiền để đáo hạn các khoản vay hết hạn tại ngân hàng. Bị cáo khoe có nhiều mối quan hệ với cán bộ ngân hàng, có cô ruột là giám đốc Ngân hàng Vietcombank. Thương nói có nhiều khách vay tiền để đáo hạn, lợi nhuận cao và hoàn toàn yên tâm, không bị mất vốn.

Tin những thông tin trên là thật nên khi Thương rủ góp vốn để kinh doanh thì chị H và anh L đồng ý. Bị cáo hứa hẹn, trường hợp đáo hạn thẻ tín dụng thì trả lợi nhuận là 10% số tiền góp vốn trong thời gian 5 ngày. Trường hợp đáo hạn thế chấp sổ đỏ thì lợi nhuận từ 15-20%, trong thời hạn 10 ngày. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thương không thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng chi tiêu cá nhân và dùng chính số tiền của các bị hại góp lần sau để trả gốc, lãi cho lần trước.

Do nhận được tiền lãi nên các bị hại càng tin tưởng, chuyển thêm tiền cho bị cáo. Khi rủ chị H góp tiền, Thương nói mọi giấy tờ, sổ sách liên quan đều được người cô ruột là giám đốc ngân hàng giải quyết. Thông thường sau 10 ngày, có thể chỉ 2-3 ngày là được nhận lại cả gốc và lãi, ví dụ từ 100 triệu đồng sẽ trả thành 120 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, bằng thủ đoạn trên, từ ngày 4/10/2021 đến 16/1/2022, Thương đã chiếm đoạt của chị H hơn 2,4 tỷ đồng và anh L hơn 2,6 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 1/10/2021, Thương nhắn tin vào tài khoản zalo của chị H gợi ý nếu chị H có 50 triệu đồng gửi Thương thì sau 2 ngày sẽ được Thương đưa lại cho chị H 60 triệu đồng. Vài ngày sau, Thương lại rủ chị H chỉ cần góp vốn 20 triệu đồng, 2 hôm sau sẽ được nhận 7 triệu đồng tiền lãi… Với những lời dẫn dụ trên, chị H ban đầu chuyển 20 triệu đồng sau đó số tiền tăng dần thành 120 triệu đồng…

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 4/10/2021 đến 23/12/2021, chị H đã trực tiếp chuyển khoản hoặc nhờ các tài khoản của bạn bè chuyển cho Thương tổng cộng hơn 10,3 tỷ đồng. Thương nhận tiền nhưng không kinh doanh, không đáo hạn ngân hàng mà sử dụng chính số tiền của chị H. góp lần sau để trả gốc, lãi ở lần trước. Đến ngày 8/1/2022, Thương đã trả lại chị H. hơn 7,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,4 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân.

Cùng phương thức này, Thương rủ anh L góp tiền kinh doanh dịch vụ cho khách hàng vay tiền đáo hạn ngân hàng. Trong gần 3 tháng, từ ngày 9/11/2021 đến 16/1/2022, anh H. đã chuyển cho Thương 154 lần số tiền hơn 20,4 tỷ đồng. Hiện Thương đã trả cho anh này 17,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng. Do Thương không thực hiện theo cam kết nên các bị hại tố cáo ra cơ quan công an. Ngày 20/9/2023, Thương bị bắt tạm giam.

Quá trình điều tra cũng cho thấy, trong nguồn tiền của anh L đưa cho Thương còn có tiền góp của 3 người khác. Cơ quan Công an xác định anh L không được hưởng lợi từ việc chuyển tiền cho Thương nên xác định anh L không đồng phạm với hành vi vi phạm của Thương.

Kim Anh (TTXVN)
Cảnh báo hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
Cảnh báo hiện tượng giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Theo ghi nhận của các chuyên gia an toàn thông tin, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN