Thời gian gần đây, nhiều người dân ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang rất băn khoăn, lo lắng khi biết chợ Quỳnh Côi được "bán" cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, bởi việc này sẽ làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của hàng nghìn tiểu thương lâu nay buôn bán trong chợ.
Chợ Quỳnh Côi hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân địa phương. |
Chợ Quỳnh Côi ở thị trấn Quỳnh Côi được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1986. Chợ có diện tích khoảng 15.000 m2, với gần 370 gian hàng. Gần đây huyện Quỳnh Phụ đã cho Công ty cổ phần thương mại Thành Đạt (trụ sở tại thành phố Thái Bình) thuê mặt bằng với thời hạn 30 năm. Theo đó, doanh nghiệp Thành Đạt sẽ đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng chợ Quỳnh Côi mới khang trang, hiện đại, theo quy mô chợ loại I. Theo thiết kế, chợ Quỳnh Côi sẽ có 508 điểm kinh doanh trong nhà và dự kiến được nhà đầu tư sẽ cho thuê lại dưới dạng hợp đồng cho thuê có thời hạn 30 năm với các mức giá sàn bình quân mỗi kiốt là từ 60 triệu đồng đến 235 triệu đồng.
Theo dự kiến, chợ Quỳnh Côi khởi công vào đầu tháng 11 năm nay, nhưng do sự phản đối của tiểu thương nên đến nay chợ Quỳnh Côi vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư.
“Bà con luôn ủng hộ chủ trương xây dựng chợ mới nhưng nguyện vọng của nhân dân là phải công khai các khoản: Diện tích và giá thuê mỗi kiốt, hình thức hợp đồng, thời hạn sử dụng... Tất cả phải có văn bản cam kết với các hộ dân để khi chợ Quỳnh Côi xây dựng xong chỉ việc thực hiện theo cam kết. Nhưng đến nay, những băn khoăn của người dân vẫn chưa được giải thích và trả lời cụ thể” - bà Nguyễn Thị Nhàn, người đang kinh doanh giày dép ở chợ Quỳnh Côi hơn 20 năm nay bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Thỏa cũng là người có gần 20 năm kinh doanh tại chợ Quỳnh Côi, cho biết: "Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng lại chợ Quỳnh Côi, nhưng nên theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hoặc có thể gần 300 hộ kinh doanh chợ sẵn sàng góp vốn để huyện thi công và giao BQL chợ của địa phương quản lý, khai thác sử dụng. Làm thế sẽ công khai, dân chủ, thuyết phục hơn. Chúng tôi sẵn sàng tự dời để xây dựng chợ mới".
Theo ý kiến của người dân, việc xây chợ với quy mô lớn như nhà đầu tư công bố là không phù hợp với thực tế điều kiện mua bán của người dân địa phương, dẫn đến giá thuê kiốt kinh doanh ở chợ là quá cao (vì đây là chợ dân sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày). Và nhà đầu tư cần trưng cầu ý kiến của dân và cam kết phương án khai thác sử dụng mặt bằng sau khi xây dựng. Như thế mới tạo sự đồng thuận cao và thỏa mãn được những yêu cầu chính đáng của người dân địa phương.
Bài và ảnh: Lê Sơn