Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm về ma túy, nhất là tình trạng tội phạm về ma túy chống lại các lực lượng khi bị bắt giữ, lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy các cấp đã chú trọng nghiên cứu, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó có biện pháp vũ trang để đấu tranh với tội phạm này. Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn |
Qua tổng hợp, phân tích, có thể thấy biện pháp vũ trang được lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy sử dụng trong một số trường hợp sau:
*Trường hợp 1, khi cần tổ chức bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).
Đây là trường hợp đối tượng phạm tội về ma túy sinh sống tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; khi lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy tổ chức bắt giữ đối tượng phạm tội về ma túy hoặc thực hiện các biện pháp điều tra khác tại các địa bàn này, các đối tượng (gồm: đối tượng phạm tội về ma túy; đồng bọn, người thân trong gia đình, dòng họ của đối tượng) đã tập trung đông người, thậm chí sử dụng các loại vũ khí, công cụ khác để chống lại nhằm cản trở, gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy.
Nổi lên là một số bản ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu hoặc vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như: Lóng Luông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); Huổi Một (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La); Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình),… trong đó phức tạp nhất là bản Co Tang, xã Lóng Luông; chỉ tính trong 3 năm (2006 – 2008), tại đây đã xảy ra 3 vụ sử dụng vũ khí quân dụng chống lại các lực lượng chức năng khi bắt giữ đối tượng phạm tội về ma túy là người của bản.
Trước thực trạng này, khi tổ chức bắt giữ đối tượng hoặc thực hiện các hoạt động tố tụng khác, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An… đã chủ động sử dụng biện pháp vũ trang, huy động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ cùng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ và các loại phương tiện cần thiết khác, chia làm nhiều tổ, nhóm, trong đó có phân công cụ thể cho tổ thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét nhà ở đối tượng; các tổ khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, ngăn chặn sự tấn công, chống trả của đồng bọn hoặc người thân trong gia đình đối tượng.
Ví dụ: Khi tổ chức bắt tạm giam đối với Giàng A Sênh tại bản Hợp Tiến, xã Huổi Một, qua nắm tình hình, xác định nhà của Sênh ở địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống; tại nhà Sênh có nhiều dao, dựa, gậy gộc và vũ khí quân dụng, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Sơn La đã sử dụng biện pháp vũ trang để bắt giữ đối tượng. Chính vì vậy, trong quá trình bắt giữ, mặc dù đối tượng và người nhà chống đối lại rất quyết liệt nhưng lực lượng chức năng vẫn bắt giữ đối tượng an toàn.
*Trường hợp 2, khi cần tổ chức triệt xoá các điểm, tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy có sử dụng vũ khí quân dụng.
Trong những năm 2005 - 2008, các đối tượng tội phạm về ma túy người nước ngoài đã vượt biên trái phép qua biên giới, lấn sâu vào nội địa các huyện: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An để xây dựng nên những cứ điểm tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, đồng thời tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Để triệt xóa các tụ điểm này, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành một số biện pháp cần thiết nhưng không hiệu quả, do đó, sau khi báo cáo, được sự nhất trí của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công an, PC47, Công an tỉnh Nghệ An đã sử dụng biện pháp vũ trang. Theo đó, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ cùng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ và các loại phương tiện cần thiết khác; chia thành các hướng và bắn súng từ xa, đẩy đuổi các đối tượng rút chạy vào điểm phục kích để bắt giữ các đối tượng.
Điển hình: ngày 26/7/2008, tổ công tác đã bao vây các lán trại tại đỉnh Bù Con Cắng và Khe Cọ Hoà, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Tại đây, có khoảng 10 lều lán với trên 30 đối tượng cùng vũ khí và một lượng lớn ma túy...
*Trường hợp 3, khi tổ chức bắt các đối tượng đang vận chuyển ma túy trên các tuyến giao thông đường bộ.
Quá trình vận chuyển trái phép chất ma túy trên các tuyến giao thông đường bộ, khi bị lực lượng công an phát hiện, yêu cầu dừng phương tiện, các đối tượng phạm tội về ma túy thường bỏ chạy với tốc độ cao, thậm chí nhiều trường hợp còn lao cả phương tiện vào đội hình bắt giữ hoặc sử dụng súng quân dụng để bắn lại lực lượng bắt giữ nhằm thoát khỏi sự truy bắt.
Điển hình là ngày 14/5/2011, khi phá chuyên án 211H, xác định chiếc ô tô BKS 29Z-1828 do Tráng A Chư điều khiển có vận chuyển heroin chạy trên quốc lộ 6, tổ công tác của PC47, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng đối tượng đã tăng ga, đâm thẳng xe vào tổ công tác để bỏ chạy, làm 1 đồng chí hy sinh và 1 đồng chí bị thương.
Trước thực trạng này, khi tổ chức bắt giữ các đối tượng vận chuyển ma túy trên các tuyến giao thông đường bộ, Công an các địa phương đã chủ động lập kế hoạch, huy động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ cùng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện cần thiết khác (như xe ô tô tải, bàn chông) tại các điểm chặn bắt, đồng thời lập các điểm khác để có thể kịp thời hỗ chặn bắt đối tượng khi chúng có hành vi bỏ chạy.
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp. Các hành vi phạm tội về ma túy thường có khung hình phạt rất cao nên khi bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng luôn sẵn sàng chống lại, trong đó có cả việc sử dụng vũ khí quân dụng để không bị bắt giữ.
Sự chống trả này sẽ rất quyết liệt, manh động, thậm chí gây thương tích, hy sinh cho lực lượng bắt giữ, vì vậy, lực lượng chức năng cần phải chủ động sử dụng biện pháp vũ trang để kịp thời ngăn chặn, đập tan âm mưu, ý đồ và hành động chống đối của đối tượng, đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia và nhân dân.
*Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang trong công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng việc tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện và giáo dục chính trị, tư tưởng cho các lực lượng tham gia bắt giữ.
Đặc trưng cơ bản của biện pháp vũ trang là việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, công cụ, phương tiện… Sức mạnh tổng hợp này được xác định bằng những yếu tố cơ bản như: số lượng, trạng thái tinh thần và trình độ huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ; số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện vật chất khác; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện…
Do đó, để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang, các lực lượng tham gia bắt giữ đối tượng phải có một thể lực tốt; năng lực, trình độ tác chiến cao; có thể sử dụng thuần thục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị; hợp đồng phối hợp giữa các lực lượng phải đồng bộ, nhịp nhàng. Từ yêu cầu này, đòi hỏi cần phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng tác chiến phù hợp, thể lực và vũ thuật cho các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, thông qua các công tác huấn luyện, bồi dưỡng, kịp thời phổ biến, quán triệt các lực lượng thực hiện nghiêm yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ khi thực hiện biện pháp vũ trang, tuyệt đối tránh gây mâu thuẫn, xung đột với nhân dân hoặc để xảy ra các tình huống đáng tiếc.
Thứ hai, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác điều tra khảo sát để xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến trong quá trình sử dụng biện pháp vũ trang để đấu tranh với tội phạm về ma túy có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, chỉ khi có một kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, chi tiết, trong đó xác định được những tình huống có thể xảy ra trong quá trình bắt giữ đối tượng, thì lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy mới có thể xác định được các biện pháp cần tiến hành; lực lượng, phương tiện, vũ khí cần huy động và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng phù hợp với từng tình huống cụ thể.
Bên cạnh đó, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia và thống nhất được ý chí, hành động của các lực lượng tham gia; kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp trong những tình huống cụ thể nằm ngoài kế hoạch.
Thứ ba, kết hợp giữa biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác để nâng cao hiệu quả công tác.
Biện pháp vũ trang chỉ là một biện pháp cụ thể trong 7 biện pháp công tác của lực lượng Công an (được quy định tại khoản 6, Điều 14 Luật Công an nhân dân), chính vì vậy, biện pháp vũ trang có mối quan hệ chặt chẽ với các biện pháp khác. Bên cạnh đó, để có đủ thông tin, tài liệu cần thiết để xây dựng được kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cần phải kết hợp sử dụng các biện pháp điều tra tố tụng, các biện pháp điều tra trinh sát và một số biện pháp mang tính đặc thù khác (được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật phòng, chống ma túy).
Thứ tư, ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy.
Yêu cầu quan trọng nhất khi tổ chức bắt giữ đối tượng phạm tội là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia bắt giữ và nhân dân, chính vì vậy, khi đối tượng phạm tội về ma túy có hành vi hoặc chuẩn bị có hành vi chống lại các lực lượng chuyên trách, thì lực lượng này phải kịp thời có hành động tương xứng để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn sự chống đối của đối tượng.
Để đạt được yêu cầu này, đòi hỏi lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy và các lực lượng tham gia bắt giữ đối tượng phải được đầu tư những trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống cần sự nhanh chóng, chính xác cao như: ống nhòm hồng ngoại, lựu đạn cay, súng bắn tỉa, súng bắn ban đêm, … cùng các phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng bắt giữ như: áo giáp chống đạn, găng tay,….
Phạm Văn Hưng