Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của những người trở về từ cuộc chiến, bởi di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo; mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.
Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên mang chất diệt cỏ đã rải dọc Quốc lộ 14, phía Bắc thị xã Kon Tum, mở màn cho cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học của đế quốc Mỹ xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong suốt 10 năm sau đó, khoảng 80 triệu lít hóa chất, bao gồm 20 loại chất độc khác nhau được Mỹ sử dụng khắp các chiến trường, trong đó phần lớn là chất độc da cam/dioxin.
Chất độc da cam có thể tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin đã gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân của chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh...
Do những hậu quả to lớn và nghiêm trọng từ cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, năm 2009, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên trong mỗi gia đình nạn nhân. Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 cho đến nay, có gần 1 triệu người đã chết, còn trên 3 triệu người là nạn nhân đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Đau lòng hơn là di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Nói về di chứng của chất độc da cam, Giáo sư Vũ Quý, nhà khoa học có hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin cho biết: “Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ”.
Tại buổi giới thiệu Chương trình “Đi bộ đồng hành cùng nạn nhân da cam/dioxin” ngày 30/7/2024, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết gần 20 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhiều lần nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Mỹ về việc quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/dioxin trên lãnh thổ Việt Nam gây ra hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, đến nay, quân đội Mỹ mới chỉ thực hiện việc tẩy độc môi trường tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng…; còn công tác chăm sóc y tế cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thì không được chấp nhận. Họ cho rằng, các yêu cầu của Việt Nam là thiếu bằng chứng, thiếu căn cứ. Do đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chuyển sang kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ, buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm với tội ác của họ đã hỗ trợ quân đội Mỹ thực hiện rải chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thời kỳ 1961 - 1971.
“Mặc dù đã 3 lần bị tòa án Mỹ bác đơn kiện nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện. Ở lần thứ 4 này, chúng tôi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ, buộc họ phải chịu trách nhiệm cho việc đã hỗ trợ quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/dioxin gây ra hậu quả nặng nề trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1971”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn thông tin.
Trước đó, ngày 25/7/2024, bà Trần Tố Nga, người đại diện nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam khởi kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã chia sẻ thông tin với báo chí về vụ kiện giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Bà từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, cũng là một nạn nhân của loại vũ khí hóa học này.
Tại buổi gặp gỡ, bà Trần Tố Nga đã chia sẻ về hành trình gian nan hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện này. Năm 2013, Tòa Evry (Pháp) đã chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam/dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Tháng 4/2014, Tòa Evry mở phiên tòa đầu tiên với sự có mặt của 19 công ty (nhiều công ty đã giải thể). Sau 19 phiên thủ tục, năm 2021, Tòa án Evry bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga vì không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Bà cùng nhiều luật sư tình nguyện giúp bà theo đuổi vụ kiện tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Bà khẳng định: "Tôi sẽ thực hiện cuộc chiến đấu này đến cùng, đây là cuộc chiến đấu cuối cùng của cuộc đời tôi".
Vụ kiện của bà Trần Tố Nga là sự kiện đặc biệt và duy nhất, bởi bà mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, có đủ điều kiện đại diện nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện. Hàng trăm người đã đến theo dõi và ủng hộ bà qua các phiên tòa. Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần vụ kiện và dự kiến đưa ra phán quyết vào ngày 22/8 tới. Vấn đề phiên tòa này tập trung là các công ty hóa chất có được "quyền miễn trừ" hay không.
Bà Trần Tố Nga chia sẻ, hành trình giành lại công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam rất lâu dài và không dễ dàng. Dù chưa biết sẽ kết thúc lúc nào và như thế nào, nhưng bản thân bà cùng những người đồng hành sẽ "kiên trì, can đảm, hy vọng và kiên định tới cùng". Bên cạnh việc yêu cầu các công ty hóa chất chịu trách nhiệm về hành động của mình, bà mong muốn cả thế giới biết đến hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng tới hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam và tội ác của những công ty hóa chất gây ra. Bà và những người bạn đồng hành đang đạt được mục tiêu này bởi ngày càng nhiều người trên thế giới biết đến và ủng hộ cuộc đấu tranh của bà.
Tại Thụy Sĩ, Đảng Lao động Thụy Sĩ đã bày tỏ sự đoàn kết với bà. Tại Pháp, chiều 4/5/2024, hàng trăm kiều bào và bạn bè đã tụ họp tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris để bày sự ủng hộ với bà và các nạn nhân da cam Việt Nam. Bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam không đơn độc vì có sự thật và lẽ phải.
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cộng đồng luôn chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chính sách, có chế độ cho các nạn nhân nhằm cải thiện đời sống cho họ. Đặc biệt, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 43, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin. Cấp ủy, chính quyền và Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; nhiều trẻ em bị di chứng chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cũng đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam làm nhà, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam... cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội... Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã vận động được gần 348,5 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Đặc biệt, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều phát động Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cách làm thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Số tiền thu được từ chương trình không những phản ánh tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam, mà còn làm cho đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Năm 2023, Chương trình đã vận động được trên 2,14 tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng xây tặng 14 căn nhà tình nghĩa; tổ chức thăm và tặng quà cho gần 600 nạn nhân ở 22 tỉnh, thành phố; hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội...
Năm nay, với chủ đề “Thắp sáng tương lai”, Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024” đã được phát động (ngày 16/7/2024). Chương trình đặt mục tiêu vận động trên 2 tỷ đồng, để tiếp tục tập trung hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn sản xuất; hỗ trợ làm nhà và sửa nhà cho nạn nhân và giúp đỡ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Ngay tại Lễ phát động, các tỉnh, thành hội: Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương đã ủng hộ Chương trình với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Tại các địa phương, thiết thực kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được thực hiện. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố đã vận động, tặng hơn 7.600 suất quà, tặng 29 xe lăn xe lắc, hỗ trợ 105 nạn nhân khám chữa bệnh trị giá hơn 6 tỷ đồng… Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh đang gấp rút xây dựng Dự án Làng Cam với quy mô 50.000 m2 nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân da cam. Ngày 4/8 vừa qua, Hội tổ chức Chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam tại Công viên Văn hóa Đầm Sen với sự hưởng ứng của trên 5.000 người.
Tại Tiền Giang, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động được trên 11 tỷ đồng để tặng 26.137 phần quà, trao 40 xe lăn, xây dựng 9 Mái ấm da cam, nuôi dưỡng thường xuyên 372 nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Đồng thời, Hội tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, trao học bổng, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức với tổng trị giá trên 9,5 tỷ đồng. Hội hỗ trợ xây mới 16 căn nhà, trao tặng trên 16.000 phần quà các dịp lễ, Tết, tặng quà, học bổng học sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh, xe lăn, mai táng phí cho các nạn nhân khó khăn…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng ngày 8/7 đã bàn giao nhà cho các hộ gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở tại xã Mỹ Phước, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú. Bày tỏ niềm vui khi nhận căn nhà mới, ông Huỳnh Văn Hưng (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú), chia sẻ, gia đình rất khó khăn, nhà ở không được vững chắc nên thường lo sợ khi mùa mưa bão. Nay được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ căn nhà kiên cố, mái tôn, cao ráo, gia đình rất ấm lòng, không còn sợ dông lốc khi mùa mưa đến. Cùng niềm vui đó, ông Tạ Trung Đức (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú) trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ gia đình kinh phí xây nhà. Ông Đức chia sẻ, gia đình không có ruộng đất, trước đây phải ở trong căn nhà nhỏ tạm bợ, hư hỏng nặng. Căn nhà mới chính là niềm mơ ước của gia đình...
Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo khổ do bệnh tật kéo dài, sức khỏe kém, không thể tham gia lao động như người bình thường. Dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hầu hết nạn nhân và gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội sẽ giúp họ được xoa dịu nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Thắp sáng tương lai” tối 8/8 tại Hà Nội cũng khẳng định, hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam còn rất nặng nề và lâu dài, nhiều gia đình có 3 - 4 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, quanh năm chỉ nghe tiếng la hét. Nạn nhân da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, là người khổ nhất trong những người khổ. Hầu hết nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nên rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam. Mỗi sự giúp đỡ, sẻ chia đều là những đóng góp to lớn để không một nạn nhân nhiễm chất độc da cam nào trên cả nước bị bỏ lại phía sau.
Bài: Minh Duyên - Tố Uyên - Đinh Hằng - Thu Hoài
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
10/08/2024 06:10