Những người ‘chở đò’ tận tâm cảm hóa phạm nhân nữ

Tại các trại cải tạo phạm nhân nữ, có những nữ quản giáo hằng ngày miệt mài dạy chữ, cảm hóa, giáo dục những con người từng một thời lầm lỗi...

Những học trò “đặc biệt”

“Thầy ơi, em là V.T.S, học trò của thầy. Em về nhà được 3 tháng rồi, hôm nay mới viết thư được cho thầy. Ra khỏi song sắt, cuộc sống của em khó khăn, chồng em chưa hết án, các con ở vậy chăm nhau và không được đi học chữ. Hàng ngày em ra đồng làm ruộng, tối về em mới có thời gian dạy các con học chữ mà em được học khi ở trại giam…

Em nhớ và biết ơn thầy đã cho em con chữ. Em mới mua được chiếc máy khâu từ tiền lao động tái hòa nhập cộng đồng khi hết án tù. Em dự định may quần áo cho dân bản để kiếm thêm thu nhập…”, chị V.T.S (sinh năm 1986, quê quán tỉnh Điện Biên, đi tù 12 năm từ năm 2012 vì tội mua bán trái phép chất ma tuý) gửi Thiếu tá Lê Thị Mai (42 tuổi, cán bộ quản giáo phạm nhân nữ, phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân), “người thầy” thắp sáng lại niềm tin cho các phạm nhân nữ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Bức thư tri ân “thầy” Lê Thị Mai của chị V.T.S.

Đọc lá thư của “người học trò” từng lầm đường lạc bước, Thiếu tá Lê Thị Mai, cán bộ quản giáo phạm nhân nữ, phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân xúc động, nghẹn ngào. Người học trò cũ mới ngày nào còn tập viết từng chữ a, b, c… nay đã dùng chính những con chữ được học trong trại giam để viết thư, gửi gắm tình cảm. Đáng trân quý hơn, khi học trò đang sống cuộc đời hướng thiện.

“Tôi hạnh phúc khi V.T.S đã làm lại cuộc đời. Đó là niềm hạnh phúc của những cán bộ quản giáo trại giam hiện nay…”, Thiếu tá Lê Thị Mai trải lòng.

Chú thích ảnh
Thiếu tá Lê Thị Mai, cán bộ quản giáo phạm nhân nữ, phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân.

Trong 20 năm làm công tác cải tạo, quản giáo, cảm hóa hướng thiện cho các phạm nhân nữ, mỗi người đều để lại dấu ấn riêng với Thiếu tá Lê Thị Mai. Tại phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân, phần lớn các nữ phạm nhân là người dân tộc thiểu số, chưa biết tiếng Kinh, được tạo điều kiện tham gia lớp học xóa mù chữ và quyết tâm hoàn lương.

Không chỉ lắng nghe tâm tư, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của phạm nhân trong quá trình cải tạo, Thiếu tá Lê Thị Mai còn trăn trở về cuộc sống của họ khi trở lại cộng đồng. Chỉ cần các phạm nhân có cố gắng, quyết tâm hướng thiện, vượt lên mặc cảm… cuộc sống của họ sẽ “thu được quả ngọt”. Giống như Thiếu tá Lê Thị Mai, nhiều cán bộ quản giáo trong phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân đều gắn bó với nhiều phạm nhân nữ và đọng lại những ấn tượng khó phai.

Chú thích ảnh
Đại úy Lê Thị Huyền, cán bộ quản giáo phạm nhân nữ, phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân.

“Chỉ mong các phạm nhân nữ đã từng lầm lỡ hãy yên tâm tư tưởng, tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào do trại phát động để sớm trở về đoàn tụ với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội. Với những người đã được trở về, mong rằng họ xóa bỏ được mặc cảm, ổn định cuộc sống và trở thành công dân có ích cho xã hội. Nếu có điều kiện, mong rằng chúng ta sẽ gặp nhau ở cuộc sống đời thường, dù chỉ một lần… ”, quản giáo, Đại úy Lê Thị Huyền chia sẻ.

Vượt lên khó khăn

Chú thích ảnh
Đại úy Nguyễn Thị Thủy, cán bộ quản giáo phạm nhân nữ, phân trại số 3 trại giam Thanh Xuân.

Cũng có 11 năm công tác tại trại giam Thanh Xuân, Đại úy Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Vì đối tượng trong trại giam là các phạm nhân nữ, yếu đuối, dễ xúc động, vì vậy, các cán bộ đều dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ với họ. Có những cuộc nói chuyện kéo dài cả buổi nghe phạm nhân chia sẻ chuyện cá nhân, gia đình, những vướng mắc trong cuộc sống… tôi thấu hiểu và động viên các phạm nhân.

Bên cạnh đó trong môi trường trại giam, các phạm nhân nữ thường ở nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều địa phương, dân tộc khác nhau...Vì vậy, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là với những phạm nhân chưa biết chữ, chưa được đi học, nhận thức về pháp luật hạn chế, có tiền sử ma túy, mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B, lao…). Song, tôi luôn ý thức phải vượt lên chính mình để giúp phạm nhân cải tạo tốt…”.

Đại úy Lê Thị Huyền cho biết thêm: “Công việc quản lý phạm nhân nữ có nhiều điểm khác biệt so với phạm nhân nam. Với những phạm nhân nữ đã làm mẹ, làm vợ, khi vào trại giam, họ luôn đau đáu nghĩ về gia đình, tâm sinh lý không ổn định, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải quan tâm hơn, thường xuyên gặp gỡ, động viên để nắm bắt diễn biến tư tưởng của họ. Công việc không quá vất vả, nhưng thời gian bị hạn chế, bản thân tôi cũng phải hy sinh phần lớn thời gian cho gia đình…”.

Chú thích ảnh
Khám sức khỏe sinh sản cho các nữ phạm nhân.

Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, vượt tuyến đường 17 km từ nhà đến trại giam làm việc, sau 20 năm cống hiến, “lửa nghề vẫn rực cháy” trong Thiếu tá Lê Thị Mai. Sinh ra trong gia đình ba thế hệ làm cảnh sát trại giam, chứng kiến công việc của bố mẹ, ngay từ nhỏ, chị đã nuôi giấc mơ trở thành một nữ cán bộ quản giáo trại giam. Đến nay, giấc mơ của chị đã thành hiện thực. Con trai chị Mai sinh năm 2004, đang đi nghĩa vụ năm thứ 2 tại trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) và cũng mong muốn được theo đuổi công việc của ông nội, của bố mẹ…

Em Nguyễn Hải Đăng (20 tuổi, con trai Thiếu tá Lê Thị Mai) chia sẻ: “Trong bữa cơm gia đình, bố mẹ thường chia sẻ về công việc, câu chuyện của những phạm nhân ‘lầm đường lạc lối’, những áp lực, khó khăn và cả những niềm vui… Những lúc đó, em càng thấu hiểu sự nỗ lực, cố gắng vì công việc của bố mẹ và bản thân muốn trải nghiệm công việc này để cống hiến cho đất nước, tiếp nối truyền thống gia đình…”.

Chú thích ảnh
Gia đình thiếu tá Lê Thị Mai.

“Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bố mẹ em trực tại cơ quan 100% thời gian và khoảng thời gian 1 năm hai anh em sống xa bố mẹ, chúng em bắt đầu rèn luyện tính tự lập để bố mẹ yên tâm công tác. Gần như ngày nào chúng em cũng dành thời gian để gọi điện, động viên, hỏi han nhau… Nhiệt huyết của bố mẹ đã và sẽ tiếp tục truyền lửa cho hai anh em sau này theo đuổi nghề”, Hải Đăng xúc động cho biết.

Trong đại dịch COVID-19, Đại úy Nguyễn Thị Thủy cùng các cán bộ quản giáo trong trại phải trực toàn thời gian, không có thời gian dành cho con cái và người thân, thậm chí có những đồng chí nhà gần trại giam cũng không được về nhà. “Cả một năm không được về thăm gia đình, những cán bộ nữ như chúng tôi gặp nhiều khó khăn… Những lúc đó, nhận được sự quan tâm của ban lãnh đạo, cùng sự động viên của các chị em, đã chọn ngành nghề này thì sẽ cố gắng khắc phục và tôi đã vượt qua quãng thời gian khó khăn đó”, Đại úy Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.

Chú thích ảnh
Chương trình truyền thông chính sách và khám sức khỏe cho nữ phạm nhân năm 2024 tại phân trại số 3, trại giam Thanh Xuân. 

Cảm hoá, giáo dục những phạm nhân nữ một thời lầm lỗi trở về cuộc sống lương thiện là việc làm hết sức khó khăn. Các nữ quản giáo vừa là người hướng dẫn, giáo dục, vừa động viên, chia sẻ, giúp họ nhận rõ lỗi lầm, ăn năn hối cải và cải tạo tiến bộ. Ban Giám thị phân trại 3, trại giam Thanh Xuân ghi nhận nỗ lực vượt lên khó khăn, tận tâm giúp “những người sa ngã” sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng của các cán bộ quản giáo:

“Các đồng chí là những người tận tâm với công việc, sâu sát với phạm nhân, luôn chủ động sáng tạo với những cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân trong phân trại. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những cán bộ quản giáo còn là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ; góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Nghệ sĩ Xuân Bắc giao lưu cùng phạm nhân trại giam Thanh Xuân
Nghệ sĩ Xuân Bắc giao lưu cùng phạm nhân trại giam Thanh Xuân

Giao lưu với các phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân, nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ: "Mỗi phạm nhân phải kiên trì rèn luyện, có niềm tin mãnh liệt vào tương lai đang chờ đợi phía trước".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN