Tin vào những tờ giấy giới thiệu của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Nam Định đã bỏ tiền triệu để mua những chiếc máy lọc nước chất lượng kém của một số đối tượng lừa đảo. Vụ việc đang được dư luận quan tâm khi "nạn nhân" của vụ lừa đảo này không chỉ là những hộ dân mà còn cả cán bộ chính quyền thành phố và các phường, xã trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thơm (trú tại số 16, đường Nguyễn Trãi, Tổ dân phố số 4, phường Vị Hoàng, TP. Nam Định), một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo, bức xúc: Máy lọc nước lắp chưa được một ngày đã tràn nước, chảy lênh láng khắp cả bếp lẫn nhà. Điện thoại cho người bán thì khất lần, sau đó thì tắt máy. Biết bị lừa, dù tiếc tiền nhưng chúng tôi cũng phải tháo máy lọc nước, không sử dụng. Bà Thơm cho biết: Do người bán hàng có đủ giấy giới thiệu của UBND thành phố, của UBND phường nên mới mua.
Theo bà Nguyễn Thị Thược, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Vị Hoàng, người đã giới thiệu cho các hộ dân trong khu phố mua bình lọc nước, chính gia đình bà cũng bị lừa mua phải một bộ bình lọc nước giả. Người tự xưng tên là Bích, cán bộ Chương trình nước sạch của Hà Nội, mang theo giấy giới thiệu của UBND phường Vị Hoàng và cho biết được Chương trình cử xuống nghiên cứu nguồn nước, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Đối tượng cho biết, Công ty có chương trình hỗ trợ một số người dân mua máy lọc nước. Theo đó, mỗi tổ dân phố có 4 hộ dân được hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng để mua các máy lọc nước "có chất lượng cao, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay". Tin tưởng vào giấy giới thiệu của chính quyền, bà Thược dẫn người bán hàng đi đến các hộ dân trong tổ. Thật may là do giá một bộ máy lọc nước lên tới mấy triệu đồng nên cả tổ chỉ có 2 hộ đăng ký mua loại máy trị giá 4,5 triệu đồng, được hỗ trợ 1 triệu đồng nên giá còn 3,5 triệu đồng. Sau đó, Bích cho người xuống lắp máy cho gia đình bà Thược và bà Thơm. Do máy chưa lắp xong, bà Thơm chỉ trả trước 3 triệu đồng, hẹn hôm sau lắp máy xong sẽ trả số tiền còn lại là 500 nghìn đồng. Hôm sau không thấy ai đến, lại thấy nước từ bình chảy lênh láng cả nhà, bà Thơm gọi điện cho người bán hàng tên Bích thì được khất đang bận, sẽ đến sau...
Máy lọc nước này mang nhãn hiệu DIVISTAR của Công ty TNHH ứng dụng công nghệ môi trường nước Đại Việt (văn phòng tại 611/57, Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Những hộ mua máy đã gọi điện đến văn phòng Công ty Đại Việt và đều được trả lời là Công ty không có đại diện bán hàng, không có chương trình trợ giá khách hàng nào tại Nam Định.
Theo tìm hiểu được biết, không chỉ tại Tổ 4 phường Vị Hoàng, nhóm bán máy lọc nước trên đã có mặt ở hầu hết các khu dân cư tại các phường nội thành thành phố Nam Định, thậm chí ở các phường ngoại thành như Lộc Vượng, Vị Xuyên, Trường Thi, Trần Đăng Ninh. Cũng đã có nhiều hộ dân mua máy lọc nước do tin vào giấy giới thiệu của chính quyền và kết quả là sau vài ngày máy lọc đều hỏng, không liên lạc được với người bán.
Ông Ngô Đức Thanh, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND phường Vị Hoàng, cho biết: Khoảng 10h ngày 7/11, một đối tượng tự xưng là Vũ Thị Bích đi xe ô tô đen 4 chỗ đến đưa giấy giới thiệu của UBND thành phố và một số phường xã khác trên địa bàn. Bích cho biết công ty cử xuống để khảo sát, lấy mẫu nước sạch. Tin tưởng vào tờ giấy giới thiệu của UBND thành phố, ông Thanh đã ký giấy giới thiệu tiếp cho Bích xuống các tổ dân phố trên địa bàn phường để khảo sát chất lượng nước. Sau khi sự việc xảy ra, khi các phóng viên đến trao đổi, ông Thanh mới biết đối tượng đã lợi dụng những tờ giấy giới thiệu đó để bán máy lọc nước cho nhiều hộ dân. Ngay sau đó, ông Thanh đã yêu cầu văn phòng gọi điện thông báo cho tất cả các Tổ trưởng dân phố trên địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Phó chủ tịch UBND phường Vị Xuyên, cho biết: Bích mang nhiều giấy giới thiệu của các phường khác cũng như của UBND thành phố và trình bày có một dự án ở Hà Nội về triển khai khảo sát mức độ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Nam Định. Mỗi tổ dân trên địa bàn sẽ được hỗ trợ 5 máy lọc nước. Mặc dù tất cả các hộ dân trên địa bàn đều đã được dùng nước sạch nhưng quá tin vào sự giới thiệu của cấp trên cũng như "ý định tốt" của dự án, ông Tuân đã ký giấy giới thiệu Bích cho 19 Tổ trưởng dân phố trên địa bàn. Ngay khi được các phóng viên thông tin về hành vi lừa đảo của Bích, ông Tuân cho biết sẽ yêu cầu các tổ dân phố thống kê "thiệt hại" và nâng cao cảnh giác.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thắng, Chánh văn phòng HĐND-UBND TP. Nam Định cho biết: Ngày 1/11, một phụ nữ tên Bích đã đến UBND thành phố, xuất trình giấy giới thiệu của Công ty cổ phần Công nghệ sạch (Hà Nội) để "khảo sát nguồn nước" kèm giấy giới thiệu của UBND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương (gửi các xã, phường trên địa bàn thị xã về việc khảo sát này). Theo giấy giới thiệu do ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Giám đốc công ty ký ngày 1/11/2011, bà Vũ Thị Bích được công ty cử xuống từng khu vực dân cư để khảo sát nguồn nước sinh hoạt, tư vấn các biện pháp khắc phục, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tham gia chương trình "Sức khỏe và vệ sinh môi trường ở địa phương".
Dựa theo giấy giới thiệu trên, ông Thắng đã ký giấy giới thiệu cho Bích xuống các xã, phường, ghi rõ mục đích là để "khảo sát nguồn nước". "Đây là giấy giới thiệu nội bộ đến xã, phường về khảo sát nguồn nước, nếu xã, phường không có nhu cầu thì thôi. Thực tế, thành phố chỉ giới thiệu chứ không chỉ đạo gì", ông Thắng giải thích. Ông Thắng cũng nhận định các đối tượng này có hành vi lừa đảo và cho biết sẽ gửi văn bản xuống các phường, xã để cảnh báo về hình thức lừa đảo này.
Theo lãnh đạo UBND một số các phường, xã địa bàn thành phố Nam Định, đây không phải là lần đầu tiên họ nhận được giấy giới thiệu "đến liên hệ công tác" từ cấp trên. Thậm chí, mới đây, một Trưởng phòng của UBND thành phố còn trực tiếp giới thiệu cho các đối tượng xuống các phường, xã để bán máy ôzone và đề nghị các phường, xã "tạo điều kiện thuận lợi" cho những đối tượng này "hoàn thành nhiệm vụ". Tuy nhiên, do cảnh giác nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc như trong vụ việc lừa bán máy lọc nước này./.
Hữu Chiến