Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư Phan Trung Hoài trình bày, Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức trong quá trình xét xử vụ án từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm, thể hiện qua việc bị cáo trong phiên phúc thẩm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không kêu oan về các tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên mà chỉ mong Hội đồng Xét xử xem xét thấu đáo các tình tiết vụ án, nguyên nhân, bối cảnh và tính xác thực của các số liệu quy buộc. Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đã tự nguyện đề xuất những phương án nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo nguồn tài chính để bồi thường theo đúng cam kết của mình.
Luật sư Phan Trung Hoài mong Hội đồng Xét xử ghi nhận và cân nhắc đến nhân thân và hoàn cảnh của Trương Mỹ Lan cũng như đóng góp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong 30 năm qua, với vai trò tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động. Từ đó, luật sư hy vọng Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ mức án tử hình đối với tội danh “Tham ô tài sản” mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Cùng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, đặc biệt là trong vấn đề khắc phục hậu quả vụ án. Tổng cộng Trương Mỹ Lan đã nộp 15.000 tỷ đồng (bao gồm nộp cho ngân hàng) để khắc phục; riêng trong phiên phúc thẩm bị cáo được cơ quan thi hành án dân sự xác nhận đã nộp thêm 5.500 tỷ đồng, chứ không phải là khoảng 3.000 tỷ đồng như Viện kiểm sát nêu trong phần đề nghị mức án. Tính cả những tài sản khác của bị cáo như 21.000 tỷ đồng trong bản án sơ thẩm buộc nhiều cá nhân, tổ chức hoàn trả cho Trương Mỹ Lan; 500 tỷ đồng nộp trong giai đoạn phúc thẩm; 172 tỷ đồng bị kê biên và nhiều tài sản chưa được định giá… đều đảm bảo rằng bị cáo có khả năng bồi thường thiệt hại.
Trong khi đó, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, nếu Hội đồng Xét xử giảm án cho bị cáo Trương Mỹ Lan, cho bị cáo cơ hội sống sẽ giúp bị cáo nhận ra được lỗi lầm, nhận được sự khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật. Đồng thời, cho bị cáo Lan cơ hội tìm phương pháp khắc phục hậu quả.
Tự bào chữa tại tòa, Trương Mỹ Lan trình bày, bị cáo thật sự đã rất ăn năn hối cải, nhận thức được lỗi lầm. Trong suốt 10 năm qua, bị cáo đã cống hiến rất nhiều cho Ngân hàng SCB và không có ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB. Bị cáo mong Hội đồng Xét xử và Viện Kiểm sát xem xét lại hai cáo buộc “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ” để cho bị cáo cơ hội được trở về nhà. Đồng thời, Lan cam kết bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án.
Theo bản án sơ thẩm, Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB, thể hiện qua việc bị cáo tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại ngân hàng này. Từ năm 2011 - 2022, bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại Ngân hàng SCB trị giá hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Khi Ngân hàng SCB bị thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), Trưởng đoàn thanh tra, sau đó chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đưa 5,2 triệu USD hối lộ cho Nhàn. Ngoài ra, phía Ngân hàng SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD, thấp nhất là 40 triệu đồng, mục đích là để bưng bít các sai phạm của Ngân hàng SCB.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Tại phiên phúc thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lan, giảm mức án cho tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xuống còn 16 - 18 năm tù. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan cho tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù cho tội “Đưa hối lộ”. Như vậy, tổng hợp hình phạt, Trương Mỹ Lan vẫn chịu mức án tử hình.