Nổi bật trong phiên thẩm vấn là lời khai của bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) không thừa nhận đã cầm 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).
Bị cáo Nguyễn Bắc Son: “Tôi khai nhận 3 triệu USD trong lúc tinh thần hoảng loạn”
Trong phần xét hỏi về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Bắc Son bất ngờ thay đổi lời khai về số tiền 3 triệu USD nhận được từ bị cáo Phạm Nhật Vũ sau khi kết thúc dự án mua AVG. Bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận, lời khai tại Cơ quan điều tra và các bản tự khai, đơn xin khắc phục hậu quả, bản vẽ sơ đồ Vũ đến nhà, vẽ va li đựng tiền, thư viết cho con gái, cho vợ đều do bị cáo Son viết. Tuy nhiên, bị cáo Son khai, do lúc đó sức khỏe của bị cáo rất yếu và tinh thần hoảng loạn nên đã khai ra số tiền 3 triệu USD, cũng như đã viết số tiền này trong các bản tự khai và đơn xin khắc phục hậu quả. Mỗi lúc bị cáo khai ra một số tiền khác nhau, ban đầu là tiền đồng Việt Nam, sau đó lại khai thành tiền đô la Mỹ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng phủ nhận việc đã nhận số tiền 700.000 USD từ bị cáo Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone) và số tiền 200.000 USD từ bị cáo Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone).
Trước sự thay đổi lời khai của bị cáo Son, Hội đồng xét xử đã yêu cầu thư ký phiên tòa trích lời khai của 3 bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải và Phạm Nhật Vũ tại phiên xử chiều 16/12 (khi đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị cách ly khỏi phòng xử). Theo các lời khai này, Lê Nam Trà đã đưa Nguyễn Bắc Son hai lần tiền, tổng cộng 700.000 USD từ nguồn tiền của Phạm Nhật Vũ. Cao Duy Hải đưa Nguyễn Bắc Son 200.000 USD và Phạm Nhật Vũ đưa Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD.
Đối chất tại tòa, hai bị cáo Lê Nam Trà và Cao Duy Hải khẳng định đoạn trích lời khai ở trên đúng là của mình đã khai vào phiên xử chiều 16/12.
Hội đồng xét xử cũng trích thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son viết gửi vợ và con gái, trong đó thể hiện nội dung về số tiền 3 triệu USD mà Phạm Nhật Vũ mang đến đưa cho Son sau khi việc mua AVG kết thúc và Nguyễn Bắc Son mong gia đình phối hợp, sắp xếp để khắc phục hậu quả.
Trước việc đối chất trên, bị cáo Nguyễn Bắc Son không có câu trả lời.
Cũng liên quan đến vai trò của chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son trong việc thực hiện Dự án mua bán AVG, Hội đồng xét xử đã thẩm vấn Nguyễn Bắc Son về việc có hay không sự chỉ đạo của Son thúc giục Lê Nam Trà đẩy nhanh tiến độ ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone với cổ đông AVG ngày 25/12/2015. Về nội dung này, Lê Nam Trà khai tại buổi liên hoan tổng kết của MobiFone năm 2015, Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu Lê Nam Trà ký ngay sau đó 1 giờ. Việc ký Thỏa thuận và Hợp đồng này không có trong kế hoạch công tác tuần của MobiFone, khi Lê Nam Trà ký Thỏa thuận và Hợp đồng thì chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, Nguyễn Bắc Son không thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký, mà cho rằng đấy là việc nội bộ của MobiFone và AVG. Bản thân bị cáo Son không thúc ép hay giục giã gì.
Vi phạm trong việc sử dụng 100% nguồn vốn của MobiFone để mua AVG
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thẩm vấn làm rõ hành vi của các bị cáo trong việc sử dụng 100% nguồn vốn của MobiFone để thanh toán tiền mua AVG, không đúng với nội dung khi xây dựng dự án là sử dụng 30% vốn tự có và 70% vốn vay để thanh toán tiền mua 95% cổ phần của AVG.
Theo cáo trạng, trên cơ sở đề nghị của Ban Tổng Giám đốc và Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, ngày 5/10/2015, Lê Nam Trà (nguyên Chủ Hội đồng thành viên MobiFone) đã ký Văn bản số 66/MOBIFONE-HĐTV trình Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo điều chỉnh Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, trong đó MobiFone xây dựng dự kiến kế hoạch kinh doanh của AVG từ năm 2015–2020 như sau: Tổng mức đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng cho 95% cổ phần AVG; thời gian thực hiện dự án năm 2015; nguồn vốn thực hiện: vốn chủ sở hữu 2.670 tỷ đồng (30% tổng mức đầu tư), vốn vay 6.230 tỷ đồng (70% tổng mức đầu tư); thời gian hoàn vốn là 8,7 năm. Như vậy, dự án có hiệu quả về mặt tài chính (kèm theo Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình). Trên cơ sở đó, MobiFone đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận bổ sung dự án vào Danh mục dự án nhóm A, phê duyệt dự án đầu tư và ra quyết định đầu tư dự án.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất đầu tư và lập dự án đầu tư của MobiFone trình lên, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone và giao cho MobiFone quyết định đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh toán tiền mua AVG các bị cáo nguyên là những cán bộ lãnh đạo của MobiFone đã không thanh toán theo tỷ lệ 30% - 70% như khi MobiFone xây dựng dự án, mà sử dụng hoàn toàn 100% nguồn vốn của MobiFone để thanh toán cho AVG, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Khai tại tòa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc MobiFone) thừa nhận việc sử dụng 100% nguồn vốn của MobiFone để thanh toán cho AVG là không đúng với nội dung khi xây dựng dự án của MobiFone là sử dụng 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Bên cạnh đó, do phải rút tiền tiết kiệm trước hạn để thanh toán nên tiền lãi bị thiệt hại do rút trước hạn là 115 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, sau khi ký Thỏa thuận và Hợp đồng, chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/01/2016) MobiFone đã thanh toán 8.445,324 tỷ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG, còn 5% tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần sẽ được MobiFone thanh toán vào ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Việc sử dụng 100% vốn tự có thanh toán cho nhóm cổ đông AVG ảnh hưởng tới doanh thu hoạt động tài chính của MobiFone do bị giảm lượng tiền gửi, giảm lãi tiền gửi của MobiFone tại ngân hàng. Trách nhiệm chính thuộc về Hội đồng thành viên và Ban Tổng Giám đốc MobiFone, gồm: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên.
Chiều 17/12, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.