Những dải phân cách cứng trên một số tuyến đường Hà Nội hiện nay không những mất tác dụng phân làn giao thông, mà còn trở thành những “chướng ngại vật” dễ gây tai nạn, ùn tắc, làm nhếch nhác thêm bộ mặt đô thị.Giao thông thêm rối rắm Bác Trần Đức, ở đường Giải Phóng quận Đống Đa cho biết: Dải phân cách cứng dài chỉ hơn chục mét, cũ hỏng, xộc xệch, nằm chình ình giữa đường, ngay trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, không hiểu sao vẫn chưa được các cơ quan chức năng dỡ bỏ. “Nhiều vụ tai nạn do va chạm vào dải phân cách này đã xảy ra. Song, đáng lưu tâm hơn là đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm, vì các phương tiện không tuân thủ làn đường mà dải phân cách này phân định ra…”, bác Đức nhấn mạnh.
Dải phân cách cứng bất hợp lý trước cổng bến xe Giáp Bát. |
Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe taxi hãng Sao Việt chia sẻ: “Nhiều lần đón trả khách tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, rẽ phải từ phố Phương Mai ra đường Giải Phóng, xe phải di chuyển từ làn đường xe máy, vòng qua dải phân cách để vào làn ô tô, nhưng chỉ vài mét lại phải đi vào làn xe máy. Việc di chuyển như vậy khiến nhiều người đi xe máy, ô tô phía sau ùn ứ, lấn tràn sang làn đường khác”. Cũng theo anh Tuấn, giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện gia tăng, di chuyển chậm, ngay lập tức xảy ra ùn tắc. “Dải phân cách tại vị trí này, có chăng chỉ ô tô “chịu khó” đi đúng làn vì sợ phạt nặng. Còn đối với xe máy, thì nếu có huy động cả đội cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ để ghi biên bản xử phạt cũng không xuể…”, anh Đức cho biết.
Hà Nội thực hiện kế hoạch thí điểm phân làn giao thông từ xa bằng dải phân cách cứng trên 5 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Kim Liên, Giải Phóng, Kim Mã từ năm 2012, nhưng kết quả không như mong đợi. Các tuyến phố Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Kim Mã, do chiều rộng lòng đường hẹp, nên các dải phân cách cứng đã được ngành Giao thông thành phố dỡ bỏ từ năm 2013. |
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay dọc đường Giải Phóng có khoảng 10 dải phân cách cứng nằm giữa đường của hai phần đường ngược chiều. Mỗi dải phân cách cách nhau khoảng 300 - 400 mét, rất bất hợp lý, khiến giao thông trên tuyến đường càng rối rắm hơn. Điều đáng nói là các dải phân cách này đã cũ, hỏng, thậm chí vỡ nát, biển báo chỉ dẫn giao thông đi kèm thì nghiêng ngả, xộc xệch… Người tham gia giao thông dường như không để ý đến sự tồn tại của các dải phân cách này.
Theo nguyên tắc, dải phân cách cứng phải kéo dài liên tục, chỉ gián đoạn ở những ngã ba, ngã tư, nơi có đặt biển cho phép quay đầu xe. Song, những dải phân cách này chỉ dài vài chục mét, lại đặt ngắt quãng, tạo ra những khoảng trống bất hợp lý để các phương tiện dễ trộn dòng lưu thông. Thực tế, khi phương tiện, đặc biệt là xe máy đi hết đoạn có dải phân cách cứng phân làn là lập tức lấn sang làn đường khác, cả khi đường thông thoáng.
Chưa kể, sau những vụ tai nạn hy hữu do va chạm với dải phân cách, nhiều dải phân cách còn bị đổ xuống lòng đường, không được lực lượng chức năng sắp xếp lại kịp thời… gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Sẽ dỡ bỏ khi có thểCác chiến sỹ CSGT chốt trực trên đường Giải Phóng cho biết: Không có CSGT hoặc thanh tra giao thông tuần tra, chốt trực là gần như người tham gia giao thông lại "mạnh ai nấy đi”. Vi phạm diễn ra tràn lan, lực lượng CSGT căng sức cũng không xuể. Khi các phương tiện lưu thông đổ dồn vào cùng một thời điểm bất kỳ, không ai còn nhận ra các dải phân cách cứng này. Đường Giải Phóng là trục lưu thông cửa ngõ ra vào Hà Nội, nên lưu lượng phương tiện rất lớn. Do đó, việc phân làn đường bằng dải phân cách cứng trên tuyến đường này là cần thiết. Nhưng để đạt kết quả tốt sẽ rất khó khăn.
Theo trung úy Nguyễn Đức Long, Đội CSGT số 4: Dải phân cách cứng là biện pháp có tính cưỡng chế đối với người tham gia giao thông, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải tuân thủ làn đường, tuân thủ tốc độ đi trong thành phố, không vượt ẩu. Dải phân cách cứng hỗ trợ CSGT hiệu quả khi xử lý người vi phạm. Các trường hợp tai nạn do va chạm với dải phân cách cứng chủ yếu là do vượt ẩu.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Việc phân làn đường bằng dải phân cách cứng thời gian đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm tai nạn, hạn chế xung đột, ùn tắc trên những tuyến phố được triển khai. Nếu ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, cơ sở hạ tầng các tuyến đường được cải thiện, Sở GTVT sẽ dỡ bỏ dải phân cách cứng để giao thông được thông thoáng hơn.
Tiến Hiếu