Thời điểm cận Tết Tân Mão, nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng lên rất cao. Hầu hết các bãi giữ xe máy tại TP.HCM đều tìm cách nâng giá để thu lợi, bất chấp các quy định của UBND thành phố.
Vô tư “hét giá”
Tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình), bãi giữ xe dù không rộng lắm nhưng nhân viên trông giữ xe vẫn cố “lèn” kín xe, gây khó khăn cho người đi chợ mỗi khi ra vào. Mức phí giữ xe máy ở đây là 3.000 đồng/lượt vào ban ngày. Khi chúng tôi thắc mắc về giá gửi xe, một nhân viên giữ xe trả lời với thái độ khó chịu: “Chợ nào chả thế, không thích thì đi chỗ khác gửi”.
Bảng giá đã được che kín. Ảnh: Hào Vũ |
Lúc 12 giờ trưa, chúng tôi có mặt tại bãi giữ xe chợ Tân Bình (quận Tân Bình), một trong những điểm gửi xe gây nhiều bức xúc cho người dân. Dù đang là giờ nghỉ trưa nhưng hầu như bãi giữ xe không còn chỗ trống.
Mức phí giữ xe gắn máy ở đây là 3.000 đồng/lượt. Anh Hùng, một người chạy xe ôm lâu năm ở khu vực này tiết lộ: “Mấy dịp lễ Tết, ở đây họ chủ yếu tìm cách “hốt tiền” chứ đâu quan tâm đến việc giữ xe.
Nhiều khi xe của khách bị nhồi nhét quá mức dẫn đến trầy xước, hư hỏng nhưng khách chẳng biết kêu ai”. Cũng theo anh Hùng, giá gửi xe máy ở đây có lúc dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt. Với hàng ngàn lượt xe ra vào bãi trong một ngày, có thể thấy đơn vị quản lý bãi giữ xe này “đút túi” bất chính một số tiền không nhỏ mỗi ngày.
Tại công viên Lê Thị Riêng (quận 3), khu vực mặt tiền dọc đường Cách mạng tháng Tám đã được “trưng dụng” thành một bãi giữ xe hoành tráng với khoảng 300 chiếc xe trong bãi. Chị Mai, một người bán hàng trong công viên cho chúng tôi hay: “Vào ban đêm, có khi họ dựng xe tràn ra cả lề đường nên người dân muốn đi tập thể dục cũng chịu. Công luận đã từng phản ánh nhưng rồi đâu lại vào đấy”.
Không chỉ có các chợ, tại các bệnh viện như Thống Nhất, Từ Dũ… mức giá giữ xe ban ngày cũng được tăng lên gấp đôi so với quy định. Thậm chí, tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, mức giá gửi xe ban ngày là 3.000 đồng/lượt. Anh Hoàng, một người nhà bệnh nhân tại bệnh viện này cho biết: “Mỗi ngày tôi ra vào viện 3 - 4 lần, tốn hơn chục ngàn tiền gửi xe”.
Các bãi gửi xe ngoài trời đã vậy, tại các hầm gửi xe trong các khách sạn, khu thương mại, giá gửi xe cũng thường không thấp hơn 5.000 đồng/lượt vào ban ngày và 10.000 đồng/lượt vào ban đêm. Bên cạnh đó, mức phí đối với xe tay ga ở các bãi gửi xe bao giờ cũng cao hơn xe số. Lý do được các nhân viên giữ xe đưa ra là: “Xe tay ga chiếm nhiều diện tích hơn xe số”.
Không niêm yết giá, lập lờ về giờ giấc
Đáng chú ý, hầu hết các bãi giữ xe đều không có biển niêm yết mức giá giữ xe hoặc nếu có cũng chỉ niêm yết cho có lệ để che mắt các đoàn kiểm tra. Một số bãi có biển niêm yết nhưng vào dịp này, con số cụ thể lại được xóa đi hoặc được che lại.
Nóng bỏng nhất có lẽ là khu vực chợ Bến Thành (quận 1) với rất nhiều bãi gửi xe tự phát mọc lên trên các vỉa hè ngay xung quanh chợ. Tại hai bãi gửi xe lề đường phía cửa Tây, dù mức giá niêm yết công khai trên mấy mảnh giấy tạm bợ là 2.000 đồng/lượt xe máy nhưng khi trả tiền, nhân viên yêu cầu khách hàng đưa 4.000 đồng.
Khi chúng tôi tỏ thái độ ngạc nhiên, anh thanh niên giữ xe đáp đầy mỉa mai: “Hai ngàn một lượt lấy gì mà ăn. Cái bảng niêm yết giá chỉ để che mắt đoàn kiểm tra khỏi bị họ phạt thôi em”. Một số bãi gửi xe trong nhà phía cửa Bắc của chợ thu tới 10.000 đồng/lượt vào ban đêm và nếu khách lấy trễ một vài giờ, nhân viên giữ xe sẽ thu 20.000 đồng.
o Quyết định 245 không giải thích cụ thể về mốc thời gian “ngày” và “đêm” nên nhiều điểm giữ xe đã biết “lách luật” khi lấy mốc 17 giờ trở đi sẽ được tính là đêm hòng tăng mức phí. Trong khi đó, với người dân thì không ai tính là 17 giờ “đêm” cả. Chính điều này đã gây ra không ít tranh cãi giữa người gửi xe và chủ các bãi giữ xe.
Hào Vũ