Tình trạng bạo lực
đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Tổng thống theo đường lối cải
cách của Mianma, ông Thein Sein, trong bối cảnh nước này thực thi những biện
pháp hướng tới dân chủ sau hàng thập kỷ cai trị của chính quyền quân sự.
Cảnh sát Mianma triển khai tại khu vực xảy ra bạo lực ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một bài bình luận
đăng trên tờ "Ánh sáng Mianma" - cơ quan ngôn luận của chính phủ nước
này - ngày 12/6 đã cảnh báo rằng xung đột sắc tộc dai dẳng có thể phá hoại sự
thống nhất quốc gia.
Với tiêu đề "Một đốm lửa có thể đốt cháy cả khu rừng",
bài bình luận đã kêu gọi hàng chục nhóm sắc tộc tại Mianma đoàn kết với nhau.
Tình trạng thù địch giữa người theo đạo Phật và Rohingya dường như ngày càng
gia tăng, với việc cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây nên tình trạng bạo lực
gia tăng.
Theo các chuyên
gia, sẽ có thêm nhiều phần tử cực đoan ở cả hai bên tìm cách hưởng lợi từ bất ổn
này. Nicholas Ferrelly, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc trường Đại học Quốc gia
Ôxtrâylia, nói: "Một số nhân vật cứng rắn theo đạo Phật có thể muốn trục
xuất người Rohingya ra khỏi Mianma. Số khác sẽ chấp nhận tình hình, theo đó người
Rohingya buộc phải chấp nhận vị thế hạ đẳng. Mặt khác, có những người Rohingya
muốn thế giới quan tâm hơn tới hoàn cảnh của họ. Họ sẽ coi tình trạng bạo lực
bùng nổ này phục vụ cho mục đích đó".
Cộng đồng quốc tế
đã gia tăng áp lực đòi chấm dứt tình trạng bạo lực sắc tộc tại bang Rakhine, miền
tây Mianma. Ngày 11/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hối thúc chấm dứt
ngay lập tức tình trạng bạo lực tôn giáo tại Mianma và kêu gọi các nỗ lực hòa
giải trong bối cảnh lực lượng an ninh cố gắng khôi phục trật tự. Bà Hillary
nói: "Mỹ tiếp tục quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về tình trạng bạo
lực sắc tộc và phe phái tiếp diễn tại bang Rakhine, miền tây Mianma, đồng thời
hối thúc tất cả các bên kiềm chế và ngừng các cuộc tấn công ngay lập tức. Chúng
tôi hối thúc nhân dân Mianma hợp tác hướng tới một quốc gia hòa bình, thịnh vượng
và dân chủ, tôn trọng các quyền của nhân dân". Đây là thông cáo thứ ba của
Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng bất ổn gần đây của Mianma.
Theo các quan chức
Mianma, kể từ ngày 8/6, có ít nhất 7 người thiệt mạng tại miền tây Mianma trong
một cuộc tấn công trả đũa giữa người theo đạo Phật chiếm đa số với những người
Hồi giáo thiểu số. Tình hình hiện nay được coi là phép thử đối với công cuộc cải
cách chính trị mong manh ở nước này kể từ khi sự cầm quyền của quân đội bị chấm
dứt hồi năm ngoái.
Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng số người thiệt mạng có
thể cao hơn, bởi một nhóm làm việc trong Dự án Arakan với người Rohingya - tộc
người bị chính quyền Mianma coi là người ngoại quốc và theo mô tả của Liên hợp
quốc thì họ là một trong số những tộc người bị ngược đãi nhất thế giới - cho biết
hàng chục người đã bị thiệt mạng. AFP đã không thể xác minh con số trên và các
nhóm phóng viên của hãng cũng không thể tới nhiều vùng bị tác động bởi lý do an
ninh.
LHQ thông báo cơ quan
này đã cho sơ tán nhân viên khỏi trụ sở ở tây Mianma, nơi xảy ra đụng độ tôn
giáo gây chết người giữa các tín đồ Hồi giáo và Phật giáo. Ashok Nigam, nhân
viên LHQ đồng thời là điều phối viên nhân đạo tại Yangun, cho biết khoảng 44
nhân viên cùng gia đình đã rời khỏi Maungdaw (bang Rakhine), vốn đang xảy ra bất
ổn, tiếp giáp Băngla Đét. Theo Nigam, các nhân viên LHQ đang tập trung tại thủ
phủ Sittwe và hầu hết sẽ bay tới Yangun.
TTXVN/Tin Tức