Thế giới 'chuyển động' cùng virus SARS-CoV-2

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 1/4, tờ Straits Times (Singapore) đã đăng tải bài bình luận của tác giả Vikram Khanna về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với những xu hướng kinh tế trong tương lai.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: THX/TTXVN

Tác giả cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành vấn đề có tính quyết định của năm 2020 khi vai trò của chủ nghĩa đa phương được củng cố, các chuỗi cung ứng được tái định hình cũng như mạng lưới an sinh xã hội được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bài viết nhận định với việc đại dịch COVID-19 bùng phát, những định chế đa phương như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang dần quay trở lại vai trò và vị trí của mình. Vai trò của các tổ chức này lại càng đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nghèo, kém phát triển vốn thiếu hụt nhiều nguồn lực hoặc kiến thức chuyên môn để đối phó với những tác động, ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch này gây ra.

Sau sự khởi đầu khá chậm chạp trong việc đưa ra phản ứng đối với đại dịch, WHO đã dần phát huy vai trò là một nguồn thông tin đáng tin cậy, có tính chuyên môn cao cũng như là nguồn cung cấp các hàng hóa, vật tư y tế, bao gồm các bộ xét nghiệm kiểm tra nhanh.

Trong khi đó, IMF cũng đang cung cấp, hỗ trợ các khoản nợ đối với các quốc gia nghèo, kém phát triển và đang sẵn sàng huy động 1.000 tỷ USD cho các khoản vay để giúp đỡ các quốc gia thành viên chống lại đại dịch.

Về phần mình, WB cũng đưa ra cam kết cung cấp một sự hỗ trợ tài chính trị giá 150 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới. Điều đó đã góp phần làm gia tăng sự đánh giá tích cực đối với vai trò của các tổ chức, định chế đa phương này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố New York, Mỹ ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang được định hình lại. Sự chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả thông qua các nguồn cung cấp đầu vào đúng lúc sẽ được chuyển sang việc tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp, bổ sung vào các mặt hàng trong kho dự trữ và đưa hoạt động sản xuất chế tạo một số sản phẩm quay trở về nước sở hữu.

Có thể nói đại dịch COVID-19 đã mang lại cho nhiều nước một số bài học về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và bổ sung vào các kho hàng hóa dự trữ sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, nó sẽ dẫn đến đầu tư nhiều hơn vào các khu vực trên thế giới ngoài Trung Quốc, như vào Nam Á, Đông Nam Á và Mexico. Nhưng nó cũng sẽ dẫn đến chi phí cao hơn, vì nhiều địa điểm sản xuất không thể bắt kịp với hiệu quả chi phí sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, sự cần thiết phải lưu giữ thêm các mặt hàng trong kho cũng sẽ đòi hỏi thêm nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng có nguy cơ đẩy một số nền kinh tế rơi vào suy thoái, khi các chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và người lao động được tiếp tục làm việc, qua đó ngăn chặn những thiệt hại về dài hạn đối với các nền kinh tế cũng như giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động khi đại dịch đi qua. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến sự gánh chịu chi phí khổng lồ.

Mặt khác, dịch COVID-19 cũng nêu bật tầm quan trọng của những mạng lưới an sinh xã hội, như là hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế đa năng, hệ thống lương hưu cho người lao động hay hệ thống chi trả nghỉ việc do ốm đau bệnh tật cho người lao động. Các chính phủ cũng bắt đầu nhận thấy rằng mạng lưới an sinh xã hội là cực kỳ thiết yếu để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Những nhu cầu đối với sự chăm sóc sức khỏe, y tế toàn diện cũng sẽ tăng cao trog khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ được đầu tư nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thông báo về tình hình dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/3/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Kỹ thuật công nghệ giao tiếp từ xa cũng đang bùng nổ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt đối với các nhân viên công sở thì làm việc từ xa đã trở nên bình thường. Một cuộc khảo sát của hơn 800 công ty do công ty tư vấn Gartner tiến hành hồi giữa tháng 3/2020 cho thấy 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Với việc hoạt động đi loại kinh doanh bị gián đoạn, nhiều công ty đã đưa ra các công cụ mới phục vụ các cuộc họp trực tuyến như công cụ Google Hangouts, GoToMeeting và Zoom.

Trong khi đó, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa cũng đang bắt đầu trở nên được để ý hơn. Nhiều phòng khám, đặc biệt là tại các nền kinh tế hiện đại, đã triển khai dịch vụ khám bệnh từ xa, cho phép một số người bệnh được ở nhà và vẫn có thể nhận được cách thức chữa trị - không chỉ cho mỗi dịch COVID-19 mà còn đối với các loại bệnh tật khác.

Đại dịch COVID-19 cũng củng cố phần nào thực tế rằng qua thời gian, thế giới sẽ đối mặt với những mối nguy hiểm bao trùm hơn nữa. Sự biến đổi khí hậu cũng là một dẫn chứng khác tiềm tàng nguy cơ “kích hoạt” những thảm họa trên phạm vi toàn cầu. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo sự ấm lên toàn cầu dường như sẽ làm gia tăng sự bùng phát các loại virus mới. Hoạt động buôn bán động vật hoang dã, Trung Quốc hiện đã cấm nhưng vẫn còn phổ biến ở các quốc gia khác, cũng là một mối nguy hiểm.

Bài viết kết luận rõ ràng, một trong những điểm tích cực mà đại dịch COVID-19 mang lại chính là việc giúp con người nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu, coi đó là một mối đe dọa hiện hữu có tính sống còn đối với thế giới.

Thế Vũ (TTXVN)
Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại Anh và Pháp tiếp tục tăng mạnh
Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại Anh và Pháp tiếp tục tăng mạnh

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn Bộ Y tế Anh ngày 2/4 cho biết số ca tử vong tại Anh do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua đã tăng 569 ca (24%) lên 2.921 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN