Thách thức quản lí thương mại điện tử ASEAN

Các doanh nghiệp lớn đang tập trung khai thác thị trường thương mại điện tử đang phát triển của ASEAN và các chính phủ trong khu vực đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý "đám mây" Internet này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về thể chế và pháp luật cũng như cần thiết phải có một khuôn khổ pháp lí về thương mại điện tử mang tính khu vực.

ASEAN đang dần trở thành một trong những khu vực thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất thế giới.


Thị trường thương mại điện tử ASEAN đã phát triển theo cấp số nhân với số lượng cư dân mạng trong khu vực tăng mạnh. Theo các khảo sát mới đây, triển vọng tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực là tươi sáng khi số người sử dụng Internet sẽ tăng từ 199 triệu hiện tại lên 294 triệu vào năm 2017, tương đương 48% dân số ASEAN, trong đó 67% dưới 35 tuổi.

Thị trường mua sắm trực tuyến mới mẻ của ASEAN hiện có giá trị từ 548 triệu đến 1 tỷ USD, khoảng 0,12 - 0,24% tổng mức bán lẻ thế giới. Các con số này dự kiến sẽ tăng thêm 5%, khiến thị trường này trong tương lai có tổng giá trị là 21,8 tỷ USD vào năm 2020.

Bất chấp những trở ngại như khả năng truy cập Internet, hệ thống thanh toán và vấn đề hạ tầng bảo đảm, triển vọng tăng trưởng của khu vực và người dùng trực tuyến trẻ tuổi đang biến ASEAN thành một trong những khu vực thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất thế giới.

Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đưa ra nhiều chương trình lớn như Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN và ASEAN một cửa từ năm sau, triển vọng thương mại điện tử càng trở nên sáng sủa hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng khai thác thị trường trực tuyến ASEAN. Chẳng hạn, Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc mới đây phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới - cho biết vào tháng 6 đã chi khoảng 250 triệu USD để có 10,35% cổ phần tại Singapore Post, một trong những nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử lớn nhất khu vực. Không nhà lãnh đạo doanh nghiệp kinh nghiệm nào lại không quan tâm đến động thái của Alibaba trong khu vực.

Cơ hội kinh doanh thương mại điện tử ở Đông Nam Á trên thực tế đã thu hút nhiều công ty lớn tham gia để hưởng lợi từ các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước ASEAN đã nhận thấy tương lai sáng lạn của thương mại điện tử và áp dụng các biện pháp như phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực.

Các chính phủ cũng đã đưa ra các chương trình để quản lý "đám mây" (một ẩn dụ về Internet) trong khu vực. Chẳng hạn, tháng 11/2002, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Hiệp định khung ASEAN điện tử, với Điều 5 quy định tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử.

Bất chấp những tiến triển đạt được, vẫn còn đó những khoảng cách về thể chế. Theo một nghiên cứu năm 2013 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), ASEAN không có quy định về thương mại điện tử mang tính ràng buộc ở cấp toàn khu vực.

Giữa các quốc gia có sự khác biệt về luật bảo vệ quyền riêng tư và người tiêu dùng. Thiếu chuyên môn cũng được xem là một trở ngại chính đối với việc hình thành khuôn khổ pháp lý hiệu quả. Điều này phản ánh lĩnh vực công đang phải vật lộn để theo kịp với bản chất thay đổi nhanh chóng của ICT và thương mại điện tử.

Các khuôn khổ thường dễ bị lỗi thời do thị trường và lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh chóng. Do đó, để thực hiện mục tiêu của AEC, thách thức không chỉ là việc đưa ra một quy định thương mại điện tử cho toàn khu vực mà còn phải phù hợp trong tương lai.

Có một số giải pháp. Thứ nhất, khu vực tư nhân cần phải được tham gia mạnh mẽ vào việc cung cấp thông tin về triển vọng kinh doanh cho chính phủ. Để có một quy định thương mại điện tử khu vực hiệu quả đòi hỏi tầm nhìn xa, đầu vào khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng khu vực này đánh giá thị trường tốt hơn giới chức chính phủ. Thứ hai, cần phải tăng cường xây dựng năng lực của chính phủ.

Xây dựng khuôn khổ toàn diện và thiết thực như vậy là không dễ dàng. Các quốc gia đều phải làm thế nào để vừa duy trì chủ quyền và an ninh quốc gia vừa hưởng lợi của hệ thống mở. Yếu tố chính trị là một trong những rào cản chính để có được một quy định pháp lí mang tính khu vực cho thương mại điện tử.


Việt Hải (Theo RSIS)

Alibaba – Ngôi sao 'đang lên' của thương mại điện tử Trung Quốc
Alibaba – Ngôi sao 'đang lên' của thương mại điện tử Trung Quốc

Ngày nay, cả thế giới lại một lần nữa nhắc tới cải tên Alibaba nhưng không phải là anh chàng láu linh trong câu chuyện cổ tích mà là một công ty thương mại điện tử-đấu giá trực tuyến hàng đầu Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN