Sóng ngầm sông Seine vẫn cuộn

Trước sức ép từ làn sóng biểu tình bạo lực trên toàn quốc và chứng kiến "Paris hoa lệ" rơi vào cảnh hỗn loạn nhất trong nhiều thập kỷ, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối cùng đã quyết định hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu với mong muốn có thể dập tắt "cơn sóng dữ" đang chồm đến Điện Elysée.

Tuy nhiên, các ý kiến phân tích đều hoài nghi việc nhượng bộ này của Chính phủ có thể sớm đưa nước Pháp trở lại bình yên, khi mà một “Thứ bảy bạo loạn” nữa đã được lực lượng “Áo vàng” đe dọa tiến hành vào ngày 8/12 này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trong cuộc họp khẩn của Chính phủ nhằm tìm biện pháp ứng phó các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối tăng giá nhiên liệu của lực lượng "Áo vàng" ở thủ đô Paris, ngày 2/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước hết, có thể thấy các cuộc biểu tình suốt 3 tuần qua tại Pháp, do lực lượng “Áo vàng” phát động, không chỉ xuất phát từ việc phản đối tăng giá xăng dầu, mà từ hàng loạt vấn đề sâu sắc cả về kinh tế - xã hội đã khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, gây khó khăn cho đời sống người dân Pháp trong nhiều năm qua.

Như nhiều quốc gia phương Tây khác, khoảng cách giàu - nghèo ngày một nới rộng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội Pháp. Theo thống kê sơ bộ, 20% dân số giàu có mức thu nhập gấp gần 5 lần 20% số người nghèo nhất trong xã hội Pháp. Những người giàu nhất chiếm 1% dân số song lại nắm trong tay tới 20% của cải của nền kinh tế. Mức thu nhập trung bình tại Pháp là 1.700 euro (tương đương 1.900 USD), và trên thực tế có tới một nửa người lao động Pháp nhận lương thấp hơn con số này.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế Pháp đã có nhiều thập niên tăng trưởng cao, nhưng liên tiếp tụt dốc và đình trệ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiếp đó là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2012. Dù đà tăng trưởng đã được cải thiện thời gian gần đây, song mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu chỉ duy trì ở mức 1,7 - 1,8% như hiện nay là hoàn toàn chưa đủ để giúp chính phủ giải quyết hàng loạt khó khăn về kinh tế - xã hội, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trên 9% trong suốt gần một thập kỷ qua.

Chính sách thuế cũng được coi là yếu tố tác động mạnh tới tình hình xã hội Pháp thời gian qua. Người lao động Pháp được coi là lực lượng đóng thuế nhiều nhất tại châu Âu, nhờ đó Pháp mới trở thành một trong những quốc gia có chính sách an sinh xã hội hào phóng nhất trên thế giới, với khoảng 1/3 sản lượng kinh tế dành cho các phúc lợi này. Năm 2016, Pháp đã chi khoảng 715 tỷ euro cho chăm sóc y tế, hỗ trợ người thất nghiệp, cùng nhiều phúc lợi khác.

Trong khi đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Macron đã triển khai kế hoạch giảm thuế tài sản cho người giàu với mục đích thúc đẩy đầu tư. Điều này đã khiến doanh thu thuế của Pháp giảm 3,2 tỷ euro (3,8 tỷ USD) trong năm qua, ngược lại, sức mua của các hộ thu nhập thấp đã giảm mạnh.

Trong khi đó, riêng trong năm qua, giá xăng ở Pháp đã tăng 15%, giá dầu diesel tăng 23%, đẩy đời sống của người lao động đi xuống và thổi sự phẫn nộ của họ lên cao. Nhận thức được vấn đề từ phía đối tượng “bị bỏ rơi” trong chính sách thuế này, chính phủ Macron đã tuyên bố điều chỉnh, nhưng chưa kịp hành động thì bạo loạn đã nổ ra.

Theo giới phân tích, Tổng thống Macron luôn muốn chứng minh sự khác biệt khi dám "đặt chân vào những vùng đất cấm" với những biện pháp cải cách mạnh dạn, trên những lĩnh vực mà những người tiền nhiệm đều dè chừng, với mục đích định hình lại nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng thường bị chỉ trích là "tổng thống của người giàu". Biện pháp tăng thuế nhiên liệu, mà chính phủ đề ra nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu, đã vô tình trở thành một minh chứng cho lời cáo buộc  này.

Chú thích ảnh
Người biểu tình "Áo vàng" gây bạo loạn nhằm phản đối việc tăng giá nhiên liệu tại thủ đô Paris ngày 1/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể thấy, những khó khăn kéo dài về “cơm, áo, gạo, tiền” đã “nhen lửa” cho một phong trào tự phát thông qua mạng xã hội vừa hình thành được vài tháng, nhưng khiến nó trở thành “cơn sóng dữ” đe dọa bất ổn xã hội Pháp còn có sự tức giận chung của các tầng lớp dân chúng từ bình dân tới trung lưu đối với các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung.  

Chính vì vậy, việc chính phủ quyết định hoãn tăng thuế nhiên liệu không những không xoa dịu được tình hình mà còn khiến người biểu tình đưa ra thêm hàng loạt yêu sách mới, kèm theo các đe dọa biểu tình quy mô lớn hơn vào cuối tuần này.

Các nghiệp đoàn vốn đứng ngoài các cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" nay lại bắt đầu tiếp ngọn lửa giận dữ của đám đông. Hai nghiệp đoàn vận tải CGT và FO đã cùng kêu gọi biểu tình phản đối chính sách cắt giảm hỗ trợ làm ngoài giờ. Trong khi đó, nghiệp đoàn nông dân FNSEA cũng cho biết sẽ đấu tranh để giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Sinh viên, các chủ doanh nghiệp nhỏ, người hưu trí cũng tìm cách xuống đường bày tỏ phản đối. Danh sách yêu cầu của lực lượng biểu tình đến nay đã lên tới hơn 40 khoản mục.  

Giám đốc công ty khảo sát Ifop Jerome Fourquet nhận định cuộc biểu tình "Áo vàng" hoàn toàn không giống như cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn đường sắt hồi đầu năm. Ông cho rằng quyết định hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu đã chứng tỏ thất bại đầu tiên của ông Macron, và sự nhượng bộ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó, việc hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu công ở đâu đó, và có thể động tới các dịch vụ an sinh - xã hội vốn đang hết sức nhạy cảm. 

Tổng thống Macron đang đứng trước thời khắc gian nan nhất kể từ khi ông lên nắm quyền 18 tháng trước. Hiện nay, các nỗ lực đối thoại thông qua các kênh, từ dân biểu, chủ doanh nghiệp, đến công đoàn, hiệp hội... với lực lượng “Áo vàng” hầu như vẫn bế tắc bởi tính chất vô tổ chức, mục tiêu đấu tranh không rõ ràng của phong trào phản kháng này. Hành động của những người “Áo vàng” dựa chủ yếu vào sức ép và đe dọa, trong khi không có những đại diện thực sự để đứng ra thương lượng như các lực lượng xã hội hay các phong trào dân túy khác.

Bên cạnh đó, các đảng phái đối lập tuy phản đối biểu tình bạo loạn, song cũng lợi dụng tình hình quy trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Macron. Họ đưa ra những đòi hỏi như giải tán Quốc hội để bầu cử sớm, hay trưng cầu dân ý về chính sách hiện hành, đều là những “cửa tử” đối với đảng cầm quyền khi mà chỉ số tín nhiệm của Tổng thống và chính phủ đang ngày càng xuống thấp.

Việc đảo ngược chính sách thuế từng kiên quyết bảo vệ có lẽ là giải pháp tình thế ông Macron buộc phải đưa ra trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, nhưng nó không đủ để bảo đảm cho máu và lửa không còn lặp lại trên đường phố Paris. Và để thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, nước Pháp cần đến những giải pháp căn cơ cho các vấn đề gốc rễ đã gây phân hóa về kinh tế và xã hội.

Lê Ánh (TTXVN)
Các đảng cánh tả Quốc hội Pháp thảo luận bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ
Các đảng cánh tả Quốc hội Pháp thảo luận bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ

Ít nhất 3 đảng cánh tả trong Quốc hội Pháp đã nhất trí thảo luận về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ hiện hành. Thông tin được báo BFMTV trích từ nguồn tin Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN