Tham vọng của Nga nhằm cải tạo tuyến đường sắt xuyên Siberia trở thành con đường vận chuyển huyết mạch Âu - Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Chính quyền của Tổng thống Putin đã khẳng định, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng là một trong những trọng điểm chính sách của Nga, đặc biệt là nỗ lực tập trung phát triển vùng Viễn Đông. Hiện đại hóa tuyến đường xuyên Siberia hiện nối liền Vladivostok ở vùng Viễn Đông với Moskva và tuyến đường bộ huyết mạch Baikal - Amur được xem là những dự án ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc tạo dựng một mạng lưới đường vận tải xuyên lục địa đặt ra yêu cầu mở rộng mạng đường sắt vươn tới các nước châu Á khác. Mục đích cuối cùng là cung đường sắt nối kết tới cảng Busan/Hàn Quốc và các cảng quốc tế khác ở châu Á. Thế nhưng đây đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Nhà Xanh, Seoul hôm 13/11. Ảnh: AFP |
Ông Putin đã có những bước đi đầu tiên để hoàn thiện giấc mơ đối với nước Nga, thông qua chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 11. Trong cuộc gặp ở Seoul, người đứng đầu điện Kremlin đã có được cam kết từ người đồng cấp Park Geun-hye rằng: Các công ty Hàn Quốc sẽ đầu tư vào một dự án liên quan đến tuyến đường sắt nối hai thành phố đi xuyên qua biên giới Nga - Triều Tiên.
Gần đây, Moskva đã tái thiết lại cung đường chạy giữa Khasan và cảng Rajin tại Triều Tiên với tổng chiều dài 54 km và các dịch vụ vận chuyển hàng hóa chính thức được thực hiện từ tháng 9 năm nay. Bằng việc lôi kéo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Tập đoàn đường sắt, tập đoàn thép Posco tham gia vào dự án, Nga hy vọng sẽ kết nối được tới Busan bằng tuyến chính xuyên biên giới hai miền Triều Tiên.
Một chuyên gia đường sắt nhìn nhận: Nếu tuyến xuyên Siberia và xuyên biên giới Triều Tiên nối kết được với nhau, hàng hóa có thể vận chuyển từ Busan tới Dusseldorf/Đức trong khoảng thời gian 13-15 ngày, chỉ bằng 1/3 so với mức 45 ngày như hiện nay do phải đi qua kênh đào Suez. Khi đó, nhu cầu cho tuyến vận tải mới này sẽ thực sự bùng nổ.
Tuyến đường sắt xuyên Siberia, nối Vladivostok với Moskva.
|
Thế nhưng, chính quyền Bình Nhưỡng dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa cho thấy sẽ từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân; vẫn có các động thái gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Khi mà Bình Nhưỡng chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về tuyến đường sắt tới Hàn Quốc, siêu dự án của Nga nối tuyến xuyên Siberia và xuyên biên giới Triều Tiên chưa thể có được một sự bảo đảm vững chắc.
Trong ngắn hạn, việc hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên Siberia hiện thời và tuyến đường bộ Baikal-Amur cũng là một thách thức không nhỏ đối với Nga. Trước hết là nguồn điện. Tuyến đường sắt này không được cung cấp nguồn điện mang tính hệ thống, chủ yếu phụ thuộc vào các cơ sở điện ở các địa phương. Đối với tuyến Baikal-Amur, khoảng 70% cung đường là chưa có điện. Chính phủ Nga dự định sẽ thông qua kế hoạch hiện đại hóa đường sắt vào cuối năm nay. Nhưng giữa ước muốn và thực tại vẫn là một khoảng cách lớn.
HT (Nikkei Asian Review)