Ước tính hơn nửa dân số thế giới, tương đương 4,2 tỷ người đang sinh sống tại các khu đô thị. Dự báo trong 20 năm tới, dân số đô thị tại các nước đang phát triển sẽ tăng lên 4 tỷ người, trong khi diện tích các vùng đô thị hóa sẽ tăng gấp 3. Xu hướng tăng trưởng nhanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức to lớn về xã hội, kinh tế và môi trường, tác động trực tiếp đến chất lượng sống của mỗi cá nhân và gia đình. Chính vì vậy, đô thị hóa là một trong những xu hướng lớn và quan trọng nhất đang định hình thế giới, cuộc sống cũng như hạnh phúc của mỗi gia đình. Với chủ đề “Gia đình và sự đô thị hóa”, Ngày Quốc tế gia đình (15/5) năm nay muốn hướng đến việc nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của các chính sách đô thị bền vững và thân thiện với gia đình, từ đó tìm ra giải pháp giúp đảm bảo cuộc sống ổn định, sung túc cho mọi gia đình, hài hòa nhu cầu của mọi thế hệ, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Các chuyên gia nhận định xu hướng đô thị hóa nhanh chóng trên toàn cầu là một hiện tượng mới trong lịch sử nhân loại và cách thức thế giới thích ứng với xu hướng này sẽ quyết định chất lượng sống của người dân trong thế kỷ 21 và xa hơn. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đến năm 2030, khoảng 60% dân số toàn cầu sẽ sống ở thành phố. Đô thị hóa cho phép tập trung hóa dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận việc làm, giáo dục và các hoạt động giải trí – những nhân tố hấp dẫn thu hút nhiều cá nhân và gia đình tới các thành phố. Tại những nước thu nhập cao, các thành phố lớn thường có hạ tầng phát triển, khoảng một nửa các đô thị có các công trình xây dựng xuất hiện nhanh hơn tốc độ tăng lên của dân số. Ngược lại, tại những nước thu nhập thấp và trung bình, phần lớn các đô thị đều thiếu hạ tầng và dịch vụ xã hội, như giáo dục và y tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh tình trạng đông đúc, chật chội do mật độ dân số cao đã làm trầm trọng các hệ quả của tình trạng đô thị hóa nhanh. Diện tích tối thiểu cho không gian công cộng tại các khu đông đúc là 150 người/ha, tương đương 45% diện tích đất. Tuy nhiên tại phần lớn các nước đang phát triển, sự phát triển ồ ạt của các công trình xây dựng và nhà ở tự phát không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn thu hẹp không gian sinh hoạt chung của người dân, giảm bớt hạ tầng thoát nước, đường phố và khu vực xanh. Theo thống kê của UNDP, mặc dù các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 3% diện tích đất trên hành tinh, nhưng mức tiêu thụ năng lượng lại chiếm tới 60-80%, thải ra tới 75% lượng carbon. Điều này đẩy các cư dân thành phố vào cảnh sống chung với ô nhiễm và hứng chịu bệnh tật.
Theo OECD, đại dịch COVID-19 cho thấy so với các vùng nông thôn, virus có xu hướng lây lan nhanh hơn tại các thành phố. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh và nhịp sống hối hả như hiện nay, tỷ lệ người dân béo phì tại các thành phố lớn đang ngày càng tăng. Do đó, quy hoạch đô thị theo hướng bền vững đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa bệnh tật do lối sống thiếu lành mạnh và khơi dậy tinh thần lạc quan của cư dân thành thị. Đây sẽ là nền móng quan trọng để tạo ra mối liên kết tích cực giữa đô thị hóa với thể chất, sức khỏe tâm thần, sự gần gũi với thiên nhiên và không gian xanh của mỗi gia đình.
Nhằm tạo cơ hội cho người dân tham gia các hoạt động thể chất, tương tác với cộng đồng, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đã biến những con phố thành không gian chung cho người dân, đồng thời giảm bớt ô nhiễm, khi quy hoạch 10 tòa nhà thành một khối nhà. Ô tô chỉ được phép di chuyển trong nội khu với tốc độ 10 km/h, lấy lại không gian cho người đi bộ và đi xe đạp.
Thành phố Curitiba của Brazil là một điển hình thành công trong mở rộng diện tích không gian xanh trên mỗi cư dân, với việc trồng 1,5 triệu cây và thiết kế một mạng lưới đường đi bộ khoa học. Mặc dù thành phố đã phát triển nhanh trong 50 năm qua, song mức độ ô nhiễm không khí tại đây chỉ sát ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn nhiều các đô thị phát triển nhanh khác. Giờ đây, tuổi thọ của cư dân Curitiba cao hơn 2 năm so với phần còn lại của Brazil (76,3 năm) và tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng rất thấp.
Tương tự, năm 2019, La Haye trở thành thành phố đầu tiên ở Hà Lan áp dụng hệ thống tính điểm để thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà xanh. Mỗi dự án xây nhà cần có đạt được số điểm nhất định về thiết kế gần gũi với thiên nhiên như mái nhà xanh, mặt tiền xanh với nhiều thực vật, cây cảnh trang trí bao quanh, từ đó tạo ra các ngôi nhà thân thiện với môi trường, có khả năng thích ứng với khí hậu, hướng tới việc đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 và 2050.
Bên cạnh vấn đề hạ tầng công cộng, thì những căn nhà an toàn với giá thành phải chăng là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy cuộc sống gia đình lành mạnh ở các khu vực đô thị, tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ, tương lai của mỗi thành viên. Mặc dù vậy, UNDP ước tính có khoảng 828 triệu người đang ở các khu nhà dưới mức chuẩn. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đến năm 2035, khoảng 3 tỷ người sẽ không được đáp ứng nhu cầu nhà ở. Singapore là một trong những mô hình giải quyết thành công tình trạng quá tải dân số và thiếu hụt nhà ở, khi thành lập Ủy ban Phát triển nhà ở (HDB) - cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Nhờ có sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý, Singapore thành nơi có tỷ lệ dân số sở hữu nhà ở cao nhất thế giới với tỷ lệ dân số sống trong các căn hộ do nhà nước xây dựng đạt 80%.
Một xu hướng quan trọng trong quá trình đô thị hóa chính là sự thay đổi về mô hình gia đình, khi các gia đình gồm nhiều thế hệ đang gia tăng, chủ yếu do khủng hoảng kinh tế khiến những người trẻ tuổi khó tìm việc hơn. Bởi vậy, việc đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các thành viên cũng đóng vai trò rất lớn, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Việc thiết kế hợp lý các không gian công cộng để mọi cư dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ và tận hưởng cuộc sống sẽ giúp các thành phố và cộng đồng hoạt động hiệu quả, đảm bảo công bằng và thúc đẩy gắn kết xã hội. Một trong số này phải kể đến truyền tải kiến thức qua tranh ảnh minh họa, gắn với những điểm sinh hoạt công cộng hằng ngày như trạm xe buýt, công viên, siêu thị mà một số thành phố như Philadelphia, Chicago (Mỹ), London (Anh), Mumbai (Ấn Độ) đang áp dụng để tạo thêm cơ hội học tập cho trẻ em và cộng đồng.
Không thể phủ nhận đô thị hóa là một xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới. Dù còn nhiều thách thức, song với quy hoạch bài bản, sự quan tâm sát sao, quản lý và phối hợp hiệu quả của các cấp địa phương, quốc gia và khu vực, các thành phố có thể giải được bài toán nghèo đói, bất bình đẳng và môi trường suy thoái, từ đó cải thiện cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình. Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo ra nền móng chắc chắn để gắn kết các gia đình - vốn là những tế bào của xã hội - qua đó đảm bảo tương lai phát triển bền vững của cả xã hội trong thời đại đô thị hóa.