Chiến tranh tiền tệ - nguy cơ và hậu quả

Kỳ 1: Những động thái nguy hiểm

“Thực sự chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình”. Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Braxin Guido Montega mới đây ngay lập tức thu hút sự quan tâm của chính giới và các thị trường toàn cầu về nguy cơ xảy ra một cuộc “chiến tranh tiền tệ” bẻ ngoặt tiến trình hồi phục của nền kinh tế thế giới.

Kỳ 1: Những động thái nguy hiểm

Lo ngại trước những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick ngày 7/10/2010 đã lên tiếng cảnh báo một cuộc chiến tiền tệ sẽ đẩy thế giới trở lại thời kỳ bảo hộ mậu dịch hồi thập niên 1930. Trước đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cũng nói rằng nếu các chính phủ tiếp tục tìm cách dùng công cụ tỷ giá để giải quyết khó khăn kinh tế trong nước, họ sẽ đối mặt với một “cuộc chiến tiền tệ”.

Ông Kahn đưa ra lời cảnh báo trên ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ duy trì chính sách lãi suất 0% và công bố kế hoạch nới lỏng tiền tệ phục vụ cho chương trình kích cầu mới. BOJ cam kết mua một lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ yên và hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0-0,1%. Lãi suất cơ bản của đồng yên cũng sẽ được duy trì ở mức gần 0%. Sau động thái này của BOJ, đồng yên lập tức giảm giá so với đồng USD.

Tháng trước, Nhật Bản khiến thị trường sửng sốt khi chỉ trong một ngày đã mua vào một lượng ngoại tệ trị giá khoảng 20 tỷ USD để chặn đà lên giá của đồng yên. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, Tôkyô can thiệp vào thị trường ngoại hối. Bộ Tài chính nước này giải thích rằng việc đồng yên tăng giá so với đồng USD lên mức cao nhất kể từ năm 1995 tạo ra những tác động không tốt cho nền kinh tế trong nước. Một điểm đáng lưu ý là Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – đã phá vỡ một thỏa thuận bất thành văn bấy lâu giữa các nền kinh tế phát triển là không thực hiện các biện pháp can thiệp đơn phương.

Từ lâu Trung Quốc vẫn được cho là thủ phạm lớn nhất của sự mất cân bằng thương mại toàn cầu, ít nhất là trong con mắt của Mỹ, thông qua việc ấn định tỷ giá NDT/USD thấp một cách giả tạo. Biện pháp được áp dụng chủ yếu là tích trữ ngoại tệ. Kể từ tháng 2/2009 đến nay, nước này chiếm tới 40% lượng dự trữ ngoại tệ tăng thêm của thế giới. Tại thời điểm này dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh ước tính khoảng 2.450 tỷ USD, bằng 30% lượng dự trữ toàn cầu và 50% GDP của nước này. Đây được xem là một khoản hỗ trợ xuất khẩu khổng lồ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thủ phạm duy nhất. Trong 2 năm trở lại đây đã có ít nhất hàng chục ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới bằng cách này hay cách khác can thiệp vào thị trường tiền tệ với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đầu tiên phải kể đến Thụy Sỹ, quốc gia vẫn có tiếng là ổn định và trung lập. NHTƯ nước này trong suốt năm 2009 đã tìm cách duy trì tỷ giá hối đoái ở mức 1,5 franc/euro. Tuy nhiên, cuối cùng Thụy Sỹ đã buộc phải nới tay sau khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu khiến các nhà đầu tư bán tháo đồng euro.

Tiếp đến là Braxin. Có thể phần nào thông cảm lời than vãn trên đây của Bộ trưởng Tài chính nước này khi tỷ giá USD/real đã giảm 25% từ đầu năm đến nay, biến đồng real trở thành đồng tiền tăng giá nhiều nhất thế giới. Đây là lý do khiến chính phủ Braxin gần đây tỏ ra rất hăng hái can thiệp vào tỷ giá. Trong vòng nửa tháng, mỗi ngày NHTƯ nước này mua vào hơn 1 tỷ USD, gấp 10 lần mức bình quân của những tháng trước. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng chỉ giúp kìm hãm quá trình tăng giá của đồng real thay vì giúp nó giảm giá.

Ngoài ra cũng đã xuất hiện có một loạt động thái tương tự ở các nền kinh tế khác, với các đợt can thiệp dù ở quy mô nhỏ như Hàn Quốc, Xinhgapo, Đài Loan; hoặc với những đòn tâm lý như Canađa và Nam Phi; hay thông qua các biện pháp can thiệp gián tiếp (các gói chi tiêu kích thích kinh tế) như Mỹ và Anh.

Tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, sức ép tăng giá đè nặng lên các đồng tiền trong nước khiến các NHTƯ và các cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của chính phủ đứng ngồi không yên. Giám đốc NHTƯ Thái Lan, ông Wongwatoo Potirat cho biết ngân hàng này đang xem xét hạn chế luồng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài đổ vào nước này nhằm ổn định đồng bath. Hiện đồng tiền này đang được giao dịch ở mức 29,92 bath/USD, cao nhất trong 13 năm qua. Trong tháng qua đồng bath đã tăng 4% và tính từ đầu năm đến nay tăng 11,3%.

Trong khi đó, các NHTƯ của Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia và Philíppin cũng bóng gió có thể can thiệp vào thị trường nhằm ổn định tỷ giá hoặc ngăn chặn tỷ giá hối đoái tăng đột ngột. Phó Thống đốc NHTƯ Ấn Độ Subir Gokarn tuyên bố sẽ tìm cách khống chế “nguy cơ tiềm tàng” của dòng vốn từ nước ngoài. Đồng rupi của Ấn Độ cũng đang ở mức cao nhất trong 2 năm qua, với 44,3 rupi đổi 1 USD. Kể từ tháng 3/2009, đồng tiền này đã lên giá 14,5% so với đồng USD.

Tại Hàn Quốc, nơi nhóm 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới sẽ đưa vấn đề “chiến tranh tiền tệ” ra ưu tiên thảo luận tại cuộc họp G20 cuối tuần này, vai trò chủ nhà cũng không giúp Xơun tránh khỏi sự chỉ trích của các đối tác. Đồng won Hàn Quốc hiện là đồng tiền lớn duy nhất của châu Á đang ở mức thấp hơn so với thời điểm trước khủng hoảng. Bên ngoài, các quan chức Bộ Tài chính nước này khẳng định không chủ trương ghìm giá đồng nội tệ với đồng USD hoặc đồng yên, và trên thực tế trong 3 tháng qua, tỷ giá won/USD đã tăng khoảng 8%. Nhưng giới quan sát cho rằng phía sau hậu trường, sức ép vận động hành lang của các tập đoàn xuất khẩu lớn ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục khiến đồng won yếu trong thời gian tới.

Thống đốc NHTƯ Nhật Bản Masaaki Shirakawa nói, tỷ giá yên/won “cao gần mức kỷ lục” chính là lý do khiến Tôkyô tháng trước can thiệp vào thị trường ngoại hối. Một quan chức của Nhật Bản thậm chí nói rằng Tôkyô “quan ngại nghiêm trọng” về tỷ giá đồng won Hàn Quốc và đang “tìm kiếm bằng chứng rõ ràng” về việc Xơun thao túng tiền tệ để tạo ưu thế cạnh tranh cho các tập đoàn công nghệ trong nước trước các đối thủ của Nhật Bản. Một số công ty giao dịch tiền tệ nói rằng NHTƯ Hàn Quốc đã có những động thái can thiệp “mạnh mẽ” vào thị trường và gần đây mỗi ngày mua vào tới 1 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại tệ của nước này lên mức kỷ lục 290 tỷ USD trong tháng 9/2010.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN