Theo Tạp chí Âu - Á ngày 22/11, cuộc khủng hoảng tài chính và khả năng phá sản ngày càng tăng của nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Italia đang phủ bóng mây u ám đe dọa nền kinh tế của các nước Bancăng. Một số báo cáo gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế khẳng định, các nước khu vực Tây Bancăng đang đứng trước tình hình rất nghiêm trọng.
Mặc dù tăng trưởng của khu vực vào trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 ở mức khá cao 5% - 10%, nhưng mức tăng này chủ yếu dựa vào các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc các dự án viện trợ khác nhau từ bên ngoài. Khi các nguồn đầu tư không còn sau khủng hoảng năm 2008 thì hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Bancăng đã rơi vào tình trạng “tăng trưởng kinh tế tiêu cực” trong năm 2010, thậm chí các nước như Môngtênêgrô, Xécbia, Bôxnia và Hécxêgôvina còn bị suy thoái nghiêm trọng. Năm 2010, khu vực Bancăng chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 1,6% và dự kiến năm 2011 và 2012 cũng thấp như vậy.
Khi xem xét tình hình kinh tế của 6 nước Đông - Nam Âu bao gồm: Anbani, Bôxnia và Hécxêgôvina, Côxôvô, Maxêđônia, Môngtênêgrô và Xécbia (SEE6), báo cáo ngày 22/11 của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nền kinh tế ở các nước này “lệ thuộc rất lớn vào các nhân tố nằm ngoài sự kiểm soát của các chính phủ. Tình trạng giảm sút toàn cầu và mất ổn định ở khu vực đồng euro (Eurozone) đã và đang ảnh hưởng bất lợi cho các nước trong khu vực”.
Báo cáo khẳng định, các nước Bancăng không thuộc EU rất dễ bị tác động khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn nữa. Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của SEE6, chiếm 30 - 50% GDP của các nước này. Chẳng hạn, Xécbia sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Italia, bởi các công ty của Italia, nhất là công ty sản xuất ô tô Fiat và công ty sản xuất quần áo Benetton, là các nhà đầu tư lớn nhất tại Xécbia. Năm 2011, Italia là đối tác xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm đến thị trường Xécbia, với tổng doanh số đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, EU cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực, với tổng FDI chiếm trên 2% GDP của SEE6 và cũng là nguồn kiều hối quan trọng của các nước trong khu vực Bancăng.
Các ngân hàng nước ngoài trong khu vực cũng đang đối mặt với một nguy cơ tài chính khác. Báo cáo của WB cho biết, mặc dù hệ thống ngân hàng trong khu vực dường như vẫn ổn định, nhưng sự ổn định này có thể thay đổi đột ngột bởi cổ phần và tài sản của các ngân hàng trực thuộc Hy Lạp, Italia và các ngân hàng nước ngoài khác trong các hệ thống ngân hàng khu vực là khá lớn (chiếm khoảng 89%).
Rõ ràng, chính phủ các nước Bancăng đã nhận thức rõ và hết sức lo ngại về tình trạng vỡ nợ ở các nước EU. Vì vậy, vào đầu tháng 11/2011, Quốc hội Anbani đã thông qua một đạo luật mới nhằm bắt buộc các ngân hàng nước ngoài đang kiểm soát 95% thị trường của nước này chuyển các chi nhánh khu vực của họ thành các công ty con, nhằm cố gắng bảo vệ những người gửi tiền không bị ảnh hưởng bởi khả năng vỡ nợ của ngân hàng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đối với Anbani. Báo cáo tháng 10/2011 của IMF nhấn mạnh, Anbani có mối quan hệ chặt chẽ về hệ thống ngân hàng, thị trường lao động và thương mại với Hy Lạp và Italia, từ đó có thể dẫn đến rủi ro ngắn hạn nghiêm trọng và các khoản kiều hối giảm, gây cú sốc cho GDP của nước này.
Tình hình tương tự tại Môntênêgrô. Gần đây Bộ trưởng Tài chính Milorad Katnic và Điều phối viên Khu vực Đông - Nam Âu của Ngân hàng Thế giới (WB) Jane Armitage công bố bản báo cáo của WB về chi tiêu công của Môntênêgrô, trong đó yêu cầu chính phủ nước này phải nhanh chóng cắt giảm thâm hụt tài chính và nợ công, đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài, nhất là khi các điều kiện trên thị trường quốc tế nhạy cảm và khó lường”. Tiếp đó ngày 17/11, báo cáo của Bộ Tài chính Môntênêgrô cũng cho biết “trong trường hợp tình hình bất ổn nghiêm trọng trên thị trường và xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn”, IMF có thể cung cấp cho Môntênêgrô một khoản vay nhưng chưa rõ bao nhiêu.
Như vậy IMF, WB và các đại diện của nhiều tổ chức tài chính khác đang nghiêm túc xem xét khả năng vỡ nợ nhà nước trong khối EU và chuẩn bị các kế hoạch nhằm hạn chế tác động của thảm họa đó đối với người dân các nước Bancăng. Tình trạng thiếu vốn của khu vực Bancăng thể hiện rất rõ qua trao đổi ngoại tệ tại các nước. Đồng dinar của Xécbia đã mất gần 25% giá trị trong 3 năm qua. Ông Ron Hood, kinh tế trưởng của WB phụ trách các chương trình giảm nghèo và quản lý kinh tế tại châu Âu và Trung Á, cho rằng sắp tới các nước Bancăng phải tiếp tục cắt giảm các khoản chi tiêu công hơn nữa nhằm sẵn sàng đối phó với đám mây đen của cuộc khủng hoảng châu Âu đang lan ra ngày càng rộng.
Nguyễn Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)