Theo các số liệu được Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Đầu tư EU (EIB) - nhà cho vay dài hạn của khối - công bố, sau khi dự án mới được phê chuẩn vào ngày 12/4, kế hoạch đầu tư châu Âu, hay còn được gọi là Kế hoạch Juncker, dựa trên sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker, dự tính sẽ dành hơn 82,1 tỷ euro (93 tỷ USD) cho các nước châu Âu, trong đó hơn 47 tỷ euro là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Kế hoạch Junker nhằm huy động 315 tỷ euro để đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn cũng như hỗ trợ các SME trong vòng 3 năm. Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) dự kiến cũng sẽ kêu gọi một khoản đầu tư có tổng giá trị lên tới 74 tỷ USD để hỗ trợ các SME. Giám đốc Điều hành EIF Pier Luis Gilibert nói: “Chúng tôi đang dần tiến tới những mục tiêu đã đặt ra bởi những đảm bảo được đề cập tới trong kế hoạch đầu tư đều đúng như những gì khu vực tư nhân châu Âu trông đợi”. Trong chuyến thăm Hà Lan hồi đầu tháng để quảng bá kế hoạch này cho các nhà đầu tư tiềm năng, ông nói: “Những thỏa thuận mới nhiều khả năng sẽ mở đường cho các khoản đầu tư tiếp theo trong những tháng tới”.
Kế hoạch Juncker dự tính sẽ dành hơn 82,1 tỷ euro (93 tỷ USD) cho các nước châu Âu. |
Theo một thỏa thuận, quỹ mới trị giá 200 triệu euro được gọi là Sáng kiến Kinh doanh Hà Lan II (DVI - II) dự kiến sẽ được công bố cùng lúc với các khoản đầu tư tư nhân, với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ euro, cho các SME tại Hà Lan. Giám đốc EIF cho biết: “Các quỹ bổ sung sẽ sớm được công bố theo công cụ tài chính mới, được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho các SME và doanh nghiệp có số vốn nhỏ tiếp cận nhiều nguồn cho vay”. Ông cho rằng tới cuối năm 2016 sẽ có 8 nước sử dụng Công cụ Đảm bảo Sáng kiến SME (SISI) mới được đưa ra.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Sebastien Villemot thuộc Cơ quan Giám sát Kinh tế Pháp (OFCE) bày tỏ quan ngại về số lượng tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế. Ông nói: “Rất khó để đánh giá nguy cơ các dự án được lựa chọn đầu tư không nhận được tiền thông qua các công cụ tài chính khác. Hiện cũng chưa rõ liệu người ta sẽ huy động được bao nhiêu tiền từ khu vực tư nhân”. Nhà kinh tế học người Pháp này cho rằng kế hoạch kích thích đầu tư của EC là khá tham vọng. Dưới sự bảo trợ của Quỹ Đầu tư Chiến lược châu Âu (EFSI), đầu tư tài chính khu vực công dự định sẽ đạt hiệu quả gấp 15 lần, thu về 315 tỷ euro từ vốn số cơ bản 21 tỷ euro do EU và EIB đóng góp, trong đó EU đóng 16 tỷ euro.
Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS), đặt câu hỏi về vai trò thực sự của kế hoạch Juncker trong nhiều dự án đã được thông qua. Ông nói: “Nhiều dự án đã được thông qua, song thực tế là chúng đã đủ tiêu chuẩn để được nhận tài trợ và thực hiện ngay cả khi không có kế hoạch Juncker”. Thêm vào đó, ông cho rằng kế hoạch đầu tư của châu Âu không đáp ứng được hai yếu tố then chốt - là chú trọng các dự án đầu tư chiến lược xuyên biên giới và tập trung vào khu vực Nam Âu cũng như các nước chịu nhiều tác động nhất từ hàng loạt cuộc khủng hoảng. Ông Gros nhận xét: “(Điều không hợp lý là) không chỉ thiếu các dự án đầu tư qua biên giới, thực tế kế hoạch này lại cấp vốn cho những dự án được thực hiện ở những nước có lợi thế kinh tế như Đức, Đan Mạch hay Anh”.
Pim van Ballekom, Phó Thống đốc Ngân hàng Đầu tư châu Âu, giải thích rằng ngân hàng này không đặt mục tiêu với từng nước hay từng lĩnh vực cụ thể. Ông nói: “Chất lượng dự án mới là vấn đề”. Theo ông Ballekom, năm ngoái ngân hàng đã đạt mức đầu tư kỷ lục 84,5 billion euro. Ông cho biết: “Với kế hoạch Juncker, chúng tôi hy vọng giữ được tốc độ này trong 3 năm tới để huy động khoảng 240 tỷ euro vốn đầu tư”.