Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, chiều 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika đã ký gia hạn Hiệp định khung về quốc phòng song phương thêm 10 năm, mở ra giai đoạn mới cho các hoạt động cùng phát triển, sản xuất thiết bị quốc phòng, cũng như triển khai các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo lớn hơn giữa hai nước. Trọng tâm của hiệp định là đẩy mạnh hợp tác từ lĩnh vực an ninh hàng hải, đóng tàu sân bay đến công nghệ sản xuất động cơ máy bay. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (trái) đón người đồng cấp Mỹ Ashton Carter ngày 3/6. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Bộ trưởng Carter cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi, Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval để thảo luận cách thức đẩy mạnh lợi ích chiến lược và quốc phòng giữa hai nước. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đây là lần đầu tiên ông Carter tới thăm Ấn Độ kể từ khi lên làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông là “kiến trúc sư chính” của Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Ấn - Mỹ (DTTI) và là người ủng hộ chính sách coi Ấn Độ là đối tác thân cận nhất trong các chương trình chuyển giao công nghệ, cùng phát triển, cùng sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng và các cơ chế hợp tác song phương khác. Hiệp định khung quốc phòng Ấn - Mỹ đề cập cụ thể tới DTTI, trong đó hai bên sẽ cùng phát triển các hệ thống quốc phòng.
Báo “The Economic Times” đánh giá cao tầm quan trọng chuyến thăm của Bộ trưởng Carter, đồng thời nhận định rằng Mỹ - Ấn sẽ vượt qua những rào cản cũ và đưa quan hệ quốc phòng song phương lên một giai đoạn phát triển mới. Ông Carter có mối quan tâm thực sự tới Ấn Độ, đã giải quyết các vấn đề tồn tại và góp phần chuyển các cuộc đối thoại không có chiều hướng kết thúc thành những dự án cụ thể. Hy vọng hướng tiếp cận thiên về hành động của Bộ trưởng Carter kết hợp với năng lực của chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi sẽ giúp Tổng thống Barack Obama triển khai quan hệ với Ấn Độ hiệu quả hơn trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình. Việc gia hạn Hiệp định khung về quốc phòng thêm 10 năm sẽ mở rộng quan hệ Mỹ - Ấn, từ hợp tác trong lĩnh vực hàng hải đến sản xuất tàu sân bay và động cơ máy bay chiến đấu. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Carter đã tuyên bố rằng Mỹ đang tìm kiếm cách thức mới để bổ sung cho chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác hiệu quả tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Raja Mohan - chuyên viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) - cho rằng Bộ trưởng Carter và Bộ trưởng Parrikar cùng quan tâm đến khoa học và công nghệ. Hai vị bộ trưởng này có thể “bơm thêm luồng sinh khí mới” vào DTTI… Trong vòng một năm cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Modi đã tạo nên những thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ. Chính sách này đã chấm dứt tình trạng tê liệt trong tiến trình mua sắm vũ khí và tập trung lớn hơn vào việc tạo nên một căn cứ công nghiệp quốc phòng tại Ấn Độ. Chính sách quốc phòng mới khuyến khích sự tham gia của tư nhân và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài để sản xuất thiết bị quốc phòng tại Ấn Độ. Những sáng kiến này đã tạo môi trường tốt hơn nhiều cho DTTI…
Theo Tiến sĩ Mohan, việc Bộ trưởng Carter ghé thăm Bộ chỉ huy Hải quân miền Đông Ấn Độ tại thành phố cảng Visakhapatnam đã thể hiện cơ bản yếu tố châu Á trong quan hệ đối tác Ấn - Mỹ. Bộ trưởng Carter coi thành phố Visakhapatnam như trung tâm chiến lược “Hành động phía Đông” của Ấn Độ.
Trong tháng 1/2015, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã công bố một Tầm nhìn mới về hợp tác an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Nay đến lượt Bộ trưởng Parrikar và Bộ trưởng Carter phải biến tầm nhìn đó thành một lộ trình cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn.